Một số điểm mới của Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, Bộ Công an chủ trì tham mưu Chính phủ xây dựng Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Dự án Luật gồm 09 chương, 65 điều, đã đề xuất bổ sung nhiều quy định mới về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, tại các thành phố lớn liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại những ngôi nhà hình ống, nhà trọ, khu nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc hoàn thiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói chung, công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng. Bên cạnh đó, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, như: Quy định về các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy cần được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tiễn; quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Dân phòng chưa đồng bộ, thống nhất với một số luật có liên quan… Để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) chỉ quy định về phòng cháy, chữa cháy nên không đủ cơ sở pháp lý để lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống thường nhật của người dân, nên Dự án Luật thêm cụm “cứu nạn, cứu hộ” thành tên gọi là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bổ sung lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ vào phạm vi điều chỉnh luật; quy định 01 chương về cứu nạn, cứu hộ quy định về phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia cứu nạn, cứu hộ; Ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ…
Bên cạnh đó, dự án Luật thay đổi tên gọi “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” thành “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”; bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như: Xúc phạm, đe dọa lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ; Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Báo tai nạn, sự cố giả; Thi công xây dựng, cải tạo công trình, hạng mục công trình và chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định; Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không thuộc quyền sở hữu…
Lực lượng Công an tỉnh diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại
Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bổ sung quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh - đây là một nội dung quan trọng, có tác động lớn đến đời sống Nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy với nhà ở là: (1) Hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn phòng cháy; chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; có giải pháp thoát nạn; chuẩn bị thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn; (2) Đối với loại hình nhà ở có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh phải đảm bảo hai nội dung nêu trên, đồng thời phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh.
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe con người; đồng thời, cung cấp một cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo sự đồng bộ trong quy định của các luật có liên quan.
Hồng Thúy - Phòng Tham mưu Công an tỉnh