Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến Luật Căn cước
Cập nhật ngày: 11-06-2024
 
Luật Căn cước 2023 được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật có nhiều điểm mới, quy định mới về thông tin trên thẻ căn cước, sử dụng thẻ căn cước, bảo đảm thông tin cá nhân của công dân cũng như quá trình thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Điều này đã tác động sâu rộng đến cuộc sống của người dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Do đó, để làm rõ hơn một số thắc mắc, băn khoăn của người dân về Luật Căn cước, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Quốc Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh để làm rõ hơn về vấn đề này.
 

Phóng viên An ninh Bạc Liêu thực hiện cuộc phỏng vấn Thượng tá Lê Quốc Cường

Phóng viên: Thưa Thượng tá Lê Quốc Cường, từ ngày 01/7/2024 Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới. Xin đồng chí cho biết Luật có những điểm gì mới, mang tính ưu việt hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014?

Thượng tá Lê Quốc Cường: Luật Căn cước 2023 thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014 có nhiều điểm mới.

Thứ nhất, có thể thấy thay đổi tên của Luật, từ Luật Căn cước công dân đổi tên thành Luật Căn cước. Từ sự thay đổi tên của Luật “thẻ căn cước công dân” đổi tên thành “thẻ căn cước” để phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi, hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng từ “căn cước” chứ không sử dụng là “căn cước công dân” nữa.

Thứ hai, thông tin trên thẻ căn cước sẽ bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

Thứ ba, Luật bổ sung một số quy định mới đối với người được cấp căn cước. Theo đó, Luật cũ quy định công dân từ đủ 14 tuổi trở lên thì sẽ làm thẻ căn cước, Luật mới mở rộng hơn, công dân dưới 14 tuổi có thể được cấp thẻ nếu có nhu cầu.

Thứ tư, Luật bổ sung một đối tượng áp dụng hết sức quan trọng là người gốc Việt Nam nhưng chưa rõ quốc tịch, đang sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam. Hiện nay, đang tồn tại tình trạng rất nhiều người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống trên đất nước Việt Nam nhưng không có giấy tờ tùy thân. Vì vậy, Luật bổ sung thêm đối tượng này, những người này sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước để có thể thực hiện các giao dịch trên đất nước Việt Nam.

Thứ năm, bổ sung một số quy định về: cấp Căn cước điện tử; thu thập thông tin sinh trắc học (ADN, mống mắt…); tích hợp thông tin một số loại giấy tờ vào thẻ Căn cước… điều này sẽ góp phần bảo đảm an toàn thông tin cũng cho người dân khi tiến hành các giao dịch hành chính.

PV: Một trong những điều người dân quan tâm nhất, là khi Luật Căn cước có hiệu lực, những người sử dụng căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân cũ có cần đi đổi thẻ Căn cước không?

Thượng tá Lê Quốc Cường: Theo Điều 46 Luật Căn cước, thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Do đó, người dân không cần phải đổi lại thẻ Căn cước mới. Đối với người dân đang sử dụng giấy Chứng minh nhân dân 9 số, sẽ có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Người dân cần liên hệ cơ quan nhà nước để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước trước ngày 01/01/2025 để đảm bảo thực hiện các giao dịch khi cần thiết.

Phóng viên: Thưa đồng chí, theo quy định của Luật Căn cước, trong Cơ sở dữ liệu căn cước bổ sung thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói…) sẽ được thực hiện như thế nào?

Thượng tá Lê Quốc Cường: việc bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước là tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta hiện nay. Đối với việc thu thập mống mắt, tới ngày 01/7/2024 thì sẽ được thực hiện trong quá trình làm thủ tục cấp Căn cước cho công dân. Về thu thập ADN, sẽ được thực hiện khi công dân có yêu cầu cung cấp các giấy tờ có giá trị pháp lý về y tế.
 

Công dân sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính

Phóng viên: Một vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc tích hợp thông tin trên thẻ Căn cước. Xin đồng chí nói rõ hơn việc tích hợp thông tin như vậy mang lại lợi ích gì cho người dân?

Thượng tá Lê Quốc Cường: Thẻ Căn cước mới có rất nhiều tiện ích, mang lại lợi ích thực tế cho người dân. Đầu tiên phải kể đến là thẻ Căn cước mang tính bảo mật rất cao, giúp người dân yên tâm khi sử dụng thẻ Căn cước trong thực hiện các giao dịch, đặc biệt là giao dịch ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ từng bước tích hợp vào thẻ Căn cước trên 30 loại giấy tờ gồm: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn… Việc sử dụng các thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác. Do đó, người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ trong thực hiện một số giao dịch.

Phóng viên: Đến ngày 01/7/2024 thì Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Vậy đơn vị Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh thực hiện những giải pháp gì để sớm đưa Luật vào thực thi trong thực tế, đảm bảo hiệu quả và thuận tiện cho người dân?

Thượng tá Lê Quốc Cường:  Để triển khai thực hiện Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 01/7 trong năm nay. Ngay từ đầu, đơn vị đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc, Lãnh đạo Công an ban hành nhiều chương trình, kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Đặc biệt, phối hợp với các trường trên địa bàn toàn tỉnh tiến hành rà soát, đối chiếu, làm sạch dữ liệu thông tin của nhóm công dân dưới 14 tuổi, đến nay thì cơ bản đã hoàn thành việc rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp Căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Mặt khác, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân và các cơ quan nắm rõ quy định mới của Luật, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Song song đó, chuẩn bị mọi điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng như chú trọng đào tạo cán bộ thực hiện công tác cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi người dân đến liên hệ. Qua đó, góp phần giúp việc thực hiện thủ tục cấp Căn cước được nhanh chóng, chính xác, không làm phiền hà đến người dân.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí đã dành cho phóng viên buổi trao đổi ngày hôm nay!
 
Phương Thảo – Trọng Nguyễn