Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tình trạng các đối tượng có tiền án, tiền sự, các nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí tự chế để giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ,… Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết cần xây dựng hành lang pháp lý để siết chặt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm tình hình ANTT
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, qua thực tiễn đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể thấy, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự, các nhóm đối tượng tín dụng đen,… thì đã xuất hiện những đối tượng vị thành niên. Trên thực tế, tội phạm và vi phạm pháp luật trong nhóm tuổi này từng lúc diễn biến phức tạp. Đa phần các đối tượng bỏ học từ sớm, lại không được chăm sóc, dạy dỗ từ phía gia đình nên thường xuyên tụ tập, ăn chơi lêu lỏng và thường mang theo các loại vũ khí, hung khí tự chế bên mình để làm công cụ “phục vụ” cho lối hành xử theo kiểu côn đồ, thích thể hiện.
Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh tập trung nắm chặt địa bàn, quản lý hệ loại đối tượng có tiền án tiền sự, các nhóm thanh thiếu niên thường xuyên gây rối trật tự công cộng. Qua đó, trong Quý I/2024, đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 13 vụ, 40 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bắt 01 đối tượng sử dụng pháo trái phép; thu giữ 04 súng quân dụng, 39 vũ khí thô sơ, 145 viên đạn các loại có liên quan, từ đó tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản được giữ vững ổn định ”.
Trên thực tế, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được Chính phủ, các Bộ, Ngành chỉ đạo quyết liệt trong những năm qua. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an, trong 05 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng Công an toàn quốc đã đấu tranh, xử lý hơn 19.000 vụ. Trong đó, riêng tội phạm chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ, linh kiện để lắp ráp là gần 15.000 vụ, chiếm hơn 78%. Tình hình tội phạm sử dụng các súng tự chế như: súng bắn đạn ghém, súng săn, súng nén ga, súng nén hơi; các loại vũ khí thô sơ như dao, búa, mã tấu,.. để gây án cũng diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trong 05 năm qua, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý trên 5.400 vụ, chiếm khoảng 28% tổng số vụ vi phạm về vũ khí; trong đó có nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây lo lắng và bức xúc trong Nhân dân.
Tổ chức tiêu hủy các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi được
trong quá trình đấu tranh tội phạm và vận động Nhân dân giao nộp
“Qua thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể thấy số đối tượng có nhu cầu mua, sử dụng vũ khí vì nhiều mục đích khác nhau như: sưu tầm, phòng thân, khoe khoang trên mạng xã hội, làm hung khí để giải quyết mâu thuẫn hoặc mua đi bán lại để kiếm lời,… Mặt khác, tội phạm này có độ “ẩn” cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác cơ quan chức năng; lợi nhuận thu được từ việc mua bán, chế tạo các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rất cao, từ đó đã hình thành “thị trường” mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ ngay trên mạng xã hội mà việc kiểm soát là một vấn đề nan giải của các cơ quan chức năng” – Thượng tá Hoàng Ngọc Đạo chia sẻ thêm.
Với thực trạng tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có chiều hướng gia tăng như hiện nay, tuy nhiên chế tài xử lý còn gặp nhiều khó khăn, không tương xứng với hành vi của đối tượng, chủ yếu là xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Nguyên nhân là do Bộ luật Hình sự chỉ quy định chế tài xử lý đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; trong khi đó Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện hành thì chưa quy định cụ thể đối với các loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng như: súng bắn hơi ga, hơi cồn, sử dụng khí nén; các loại vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mã tấu, côn, cung, nỏ… hay các loại linh kiện chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Lực lượng Công an các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân
giao nộp và đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Ngoài ra một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn như: chưa có quy định về việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; việc quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; việc quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết phải bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; quy định giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp chỉ có giá trị cho 01 lượt vận chuyển gây khó khăn cho các doanh nghiệp...
Có thể thấy, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là vấn đề rất bức thiết đặt ra nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới./.
Trọng Nguyễn