Dự án “Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” có những điểm nào mới
Cập nhật ngày: 4-05-2024
 
Tại Phiên họp thứ 28, ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sửa đổi.
 
Việc sửa đổi Luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật. Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự thảo Luật sửa đổi và tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sửa đổi gồm: 08 chương, 74 điều, trong đó có 05 nhóm nội dung chính được sửa đổi, bổ sung như sau:

(1) Sửa đổi khái niệm về vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng bãi bỏ khái niệm vũ khí thô sơ, súng săn; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khái niệm vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; bổ sung khái niệm về dao có tính sát thương cao. Lý do: thực tế tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, các loại dao… diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng; việc sửa đổi, bổ sung các khái niệm trên sẽ xử lý hình sự ngay các hành vi vi phạm về các loại vũ khí này đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

(2) Sửa đổi, bổ sung 30 điều liên quan đến thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.

(3) Sửa đổi, bổ sung quy định cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để tận dụng nguồn vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

(4) Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép theo hướng thống nhất cấp một loại giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không có thời hạn và chuyển việc cấp giấy phép xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.

(5) Sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo hướng quy định tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Bộ Công thương quy định việc đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới sản xuất, sử dụng tại Việt Nam; bỏ quy định chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với định hướng phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp; quy định tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết bán lại cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hoặc được phép tiêu hủy; bổ sung quy định về điều chỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sửa đổi quy định cho phép giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp có giá trị cho lượt vận chuyển đi và vận chuyển về đối với trường hợp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không hết.
 

Người dân bàn giao một số loại vũ khí cho Công an

Hiện nay tại trụ sở Công an huyện, thị xã, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn trong tỉnh vẫn duy trì tổ chức tiếp nhận các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo tất cả các ngày trong tuần. Khi phát hiện hoặc có các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, đề nghị các cơ quan, tổ chức, công dân đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo và giao nộp. 

Tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo là việc làm tốt, hành động đẹp, nhân văn, thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật./.

Hải Linh