Xác định được tầm quan trọng của tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID, thời gian qua, các tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP của lực lượng Công an tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để “tìm dân, gặp dân” nhằm tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân sự cần thiết kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Từ ngày 01/7/2024, tài khoản định danh điện tử là tài khoản duy nhất được sử dụng để đăng nhập vào Cổng Dịch công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để thực hiện các thủ tục hành chính. Tính riêng quý I/2024, tỉnh Bạc Liêu đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được hơn 35.204 tài khoản, tiếp tục thu nhận gần 14.000 hồ sơ cấp Căn cước công dân và giao trả 12.170 thẻ Căn cước công dân cho người dân trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tham gia các giao dịch điện tử.
Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 06/CP
Những tiện ích do ứng dụng VNeID mang lại
Ứng dụng VNeID của Bộ Công an là ứng dụng quản lý công dân trên nền tảng kỹ thuật số. Sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 thành công, người dân có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID… Qua đó, giúp người dân giải quyết các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, tài khoản định danh điện tử mức 1 có các dịch vụ, tiện ích gồm: tích hợp thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân; đăng nhập (SSO) và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; thực hiện thông báo lưu trú; nhận thông báo giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; dịch vụ công liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú; nhận cảnh báo hết hạn thẻ Căn cước công dân; cập nhật thông tin, tin tức, cảnh báo thủ đoạn tội phạm cũng như phản ánh, kiến nghị về tình hình an ninh trật tự…
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử mức độ 2
Đối với tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID để thay thế cho thẻ Căn cước công dân và các loại giấy tờ khác đã được tích hợp như: Giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử, thông tin cư trú (hộ khẩu online)… Điều này đồng nghĩa với việc người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực hiện tử tạo lập được kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại tỉnh Bạc Liêu, qua hơn 02 năm thực hiện Đề án 06/CP, đã có hơn 500.000 trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân và ứng dụng VNeID tại 77 cơ sở y tế; các đơn vị, địa phương cũng triển khai sử dụng phần mềm ASM quản lý 1.437 cơ sở lưu trú, trong đó 1.012 nhà cho thuê tháng, 333 khách sạn, 72 cơ sở khám chữa bệnh… Đây là bước tiến quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân dễ thực hiện các giao dịch dân sự tại bất cứ nơi nào chứ không cần trực tiếp đến tận nơi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân kích hoạt,
sử dụng VNeID trong quá trình khám chữa bệnh
Góp phần tích cực phòng ngừa tội phạm
Bên cạnh việc hỗ trợ thực hiện dịch công trực tuyến trên môi trường điện tử, việc sử dụng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trong thực hiện các dịch vụ của tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… của công dân luôn được đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm quản lý lưu trú
Bên cạnh đó, với chức năng bảo mật thông tin an ninh, an toàn, ứng dụng VNeID không chỉ giúp người dân thuận lợi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử mà còn tạo điều kiện cho người dân kịp thời cung cấp thông tin tố giác tội phạm một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật tuyệt đối. Sau khi nhận thông tin từ ứng dụng VNeID, cán bộ phụ trách sẽ thiết lập hồ sơ theo quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và nhanh chóng điều tra, xác minh, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tin báo. Bên cạnh đó, người gửi tin cũng có thể tự theo dõi quá trình xử lý và biết được kết quả của yêu cầu tố giác tội phạm của mình.
Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ đều vì lợi ích của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số”, lực lượng Công an toàn tỉnh Bạc Liêu đã và đang thực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy người dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện các giao dịch điện tử. Người dân cũng cần hiểu rõ, thẻ Căn cước công dân gắn chip chỉ thực sự có hiệu quả khi được tích hợp, kết nối dữ liệu của các bộ, ngành, phát triển những dịch vụ công trực tuyến, liên thông. Do đó, người dân cần tích cực đăng ký, sử dụng ứng ụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử để phục vụ công tác chuyển đổi số, tham gia giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng nhiều tiện ích khác trên môi trường điện tử, bảo đảm chính xác, thuận tiện và an toàn, thực sự trở thành “công dân số” đúng nghĩa./.
Phương Thảo