Tại cửa hàng tạp hóa trên đường Hai Bà Trưng, Khóm 2, Phường 3, thành phố Bạc Liêu. Đây là mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh gồm có 03 tầng, tầng trệt được tận dụng để buôn bán tạp hóa, 02 tầng trên là nơi sinh hoạt của gia đình. Do cửa hàng tập trung nhiều loại hàng hóa là các chất dễ cháy nên công tác phòng chống cháy, nổ được chủ cơ sở kinh doanh quan tâm thực hiện tốt, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra.
Công an Phường 3, thành phố Bạc Liêu kiểm tra điều kiện an toàn
PCCC tại cửa hàng tạp hóa của chị Phùng Thúy Quyên
Chị Phùng Thúy Quyên, đại diện cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Khóm 2, Phường 3, thành phố Bạc Liêu cho biết: Tôi nhận thấy công tác phòng chống cháy, nổ có ý nghĩa hết sức quan trọng, trước hết để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Nếu để xảy ra cháy, nổ sẽ gây thiệt hại rất lớn nên chúng tôi rất cẩn thận trong việc phòng, chống cháy, nổ. Trong kinh doanh, chúng tôi nhập hàng đủ bán, không tích trữ hàng, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp; không để các chất dễ cháy gần nguồn nhiệt; đồng thời trang bị bình chữa cháy xách tay để kịp thời dập lửa khi có cháy, nổ xảy ra.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có hơn 3.000 cơ sở kinh doanh, trong đó có trên 500 cơ sở xếp loại nguy cơ cháy, nổ cao. Đến thời điểm hiện tại, những cơ sở này cơ bản đáp ứng các quy định về phòng, chống cháy, nổ; được quan tâm đầu tư trang thiết bị PCCC, chuẩn bị các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Lực lượng Công an hướng dẫn các người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay
Bên cạnh việc tự đầu tư trang thiết bị và xây dựng phương án PCCC của chủ cơ sở kinh doanh, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC; tích cực vận động các cơ sở kinh doanh trang bị bình chữa cháy xách tay, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, không che chắn lối ra vào, thường xuyên tự kiểm tra an toàn các thiết bị điện; đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở các biện pháp xử lý tình huống, cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phát tờ rơi, tuyên truyền
các quy định về phòng chống cháy, nổ cho chủ cơ sở kinh doanh
Thiếu tá Trần Văn Hiến, Phó Trưởng Công an Phường 3, thành phố Bạc Liêu cho biết: Để tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ, Công an phường 3 đã phối hợp với Ban Bảo vệ dân phố đến từng cơ sở kinh doanh để tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, nhất là bình chữa cháy xách tay để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân nhất là chủ cơ sở kinh doanh trong việc phòng chống cháy, nổ, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản cho mình và những người xung quanh.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC tại các cơ sở kinh doanh như việc trang bị dụng cụ, thiết bị chữa cháy, chuông báo động... qua đó khuyến cáo chủ cơ sở kinh doanh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cháy, nổ; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm điều kiện an toàn về PCCC.
Kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh
sắp xếp hàng hóa tạo khoảng cách an toàn với các thiết bị điện
Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh, thời gian tới Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống cháy, nổ cho người dân bằng nhiều hình thức sinh động. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; qua đó hướng dẫn, yêu cầu khắc phục những nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, tăng cường huấn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu nhằm chủ động trong công tác chữa cháy và CNCH khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Phòng chống cháy, nổ là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng không chỉ của các cấp, các ngành chức năng mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy, mỗi người dân nhất là các chủ cơ sở kinh doanh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy, nổ, qua đó bảo vệ tính mạng, tài sản cho bản thân và những người xung quanh, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do cháy, nổ gây ra với phương châm “Phòng ngừa là chính”./.
Trọng Thức