Tại Bạc Liêu, theo thống kê từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 01 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, cụ thể: Vào khoảng 03 giờ 40 phút ngày 24/02/2024, trên địa bàn Khóm 3, Phường 7, thành phố Bạc Liêu đã xảy ra cháy tại cửa hàng linh kiện điện thoại di động, nguyên nhân bước đầu được nhận định là do sự cố về điện. Vụ cháy đã làm phần lớn tài sản trong cửa hàng bị thiêu rụi, thiệt hại ước tính trên 55 triệu đồng. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã khống chế được
đám cháy tại cửa hàng điện thoại di động thuộc Khóm 3, Phường 7, thành phố Bạc Liêu
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sự cố về nguồn điện là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến cháy, nổ vào mùa khô. Trong thời tiết nắng nóng kéo dài, các hộ gia đình, nơi làm việc đều sử dụng các thiết bị điện hết công suất nên dễ xảy ra quá tải điện gây cháy, nổ. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn dự trữ nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu là các chất dễ bắt lửa nên khi xảy ra sự cố chập điện sẽ gây cháy, nổ lớn. Bên cạnh đó, một số vụ cháy, nổ xảy ra còn do sơ suất của người dân, điển hình như: Quên tắt bếp, khóa bình gas khi nấu ăn dẫn đến cháy, nổ; dự trữ các chất dễ cháy (xăng, dầu, khí đốt…) gần bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; đốt cỏ, rác khi chưa tiến hành thu gom và tạo khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh dẫn đến cháy lan trên diện rộng…
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy xách tay
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, cách sử dụng các thiết bị, dụng cụ chữa cháy và cách xử lý tình huống, thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội các tin, bài, phóng sự cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, qua đó giúp người dân nhận biết để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Chủ động rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thường xuyên tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra.
Các lực lượng tham gia diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Thượng tá Mai Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, do đó công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị luôn được duy trì thường xuyên 24/24 giờ, đảm bảo lực lượng chữa cháy theo quy định; thường xuyên kiểm tra các dụng cụ, trang thiết bị kèm theo xe chữa cháy nhằm chủ động trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống cháy, nổ xảy ra”.
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ nhất là vào mùa khô, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra an toàn các thiết bị điện; không dự trữ nhiều chất dễ cháy trong nhà, sắp xếp đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy; không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp để ốp tường, trần, vách ngăn; trước khi ra khỏi nhà phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; tuyệt đối không đốt cỏ, rác vào buổi trưa khi có gió to, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn… Mỗi nhà dân cần đảm bảo có 02 lối thoát nạn; trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và dụng cụ phá vỡ đa năng; dự trữ nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy theo đúng quy định. Khi xảy ra cháy, nổ cần tìm cách báo động nhanh nhất, sử dụng bình chữa cháy tại chỗ để dập lửa, nếu cháy lớn phải gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114 hoặc Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Cháy, nổ có thể xảy ở bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào và hoàn cảnh nào. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng, thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ với phương châm “Phòng cháy hơn chữa cháy”, qua đó bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và những người xung quanh./.
Trọng Thức