Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia
Chiều 13/3, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 131 về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Tham dự hội nghị có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch 131 Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo Kế hoạch 131 của bộ. Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Bộ Công an, trực tuyến tới Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu có Đại tá Hồ Việt Triều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Châu Quốc Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an tỉnh; Công an các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu, bởi đây là hệ, loại tội phạm có mức độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với các loại tội phạm khác.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trong mỗi thời kỳ, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đều có sự nhận diện đúng bản chất và sự thay đổi của tội phạm trong đó có tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia để chỉ đạo các phương châm, nguyên tắc đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn. Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú để đấu tranh với loại tội phạm này, qua đó chúng ta luôn làm chủ tình hình, đẩy lùi hoạt động phức tạp của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu. Các đối tượng tội phạm ngày càng lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động, gây án. Xuyên suốt trong thời gian qua, Bộ Công an đã sớm nhận diện và có những biện pháp, kế hoạch xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao từ rất sớm. Đồng thời, từ năm 2010 đến nay, Bộ Công an tiếp tục có những chủ trương, giải pháp mới hết sức chủ động trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Khẳng định những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu một số tồn tại trong xử lý loại tội phạm này; đồng thời yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khi tham luận tập trung làm rõ thêm những vấn đề liên quan, trong đó đánh giá kinh nghiệm, kết quả đạt được, tồn tại, nguyên nhân, từ đó kiến nghị những giải pháp cụ thể.
Tại hội nghị, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 131 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia. Theo đó, qua thực tế triển khai Kế hoạch 131, Ban Chỉ đạo 131 của Bộ Công an và các cục nghiệp vụ đã dự báo, nhận diện đúng các loại tội phạm nổi lên, xác định các đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm; xây dựng, ban hành và triển khai những biện pháp, giải pháp cụ thể để đấu tranh, phòng chống hiệu quả tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; đã nhận diện được các phương thức hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, qua đó kịp thời chỉ đạo Công an các địa phương đề ra những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.
Một số Công an địa phương đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ xử lý các băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, do đối tượng người nước ngoài điều hành, hoạt động xuyên quốc gia, qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Công an các đơn vị, địa phương đã nhận diện, áp dụng pháp luật để xử lý các hành vi có diễn biến phức tạp, góp phần răn đe, kéo giảm tội phạm rõ rệt.
Hợp tác quốc tế được quan tâm, thực hiện có chiều sâu, đã phối hợp với với Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam ở nước ngoài và lực lượng chức năng các nước đấu tranh, khám phá nhiều chuyên án, vụ án xuyên quốc gia, trong đó có những vụ án, chuyên án chưa từng có tiền lệ. Đi cùng với đó, công tác xây dựng lực lượng đạt được nhiều kết quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là việc bố trí Công an xã, bổ nhiệm điều tra viên cho Trưởng, Phó Công an xã...
Tại hội nghị, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã báo cáo tóm tắt nội dung quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia và phương án nghiệp vụ xử lý, giải quyết một số tình huống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện Công an các đơn vị, địa phương gồm: Công an TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang, Điện Biên, Bình Thuận, Cà Mau, Thanh Hóa… đã tham luận, tập trung phân tích làm rõ những tồn tại, đánh giá sâu kinh nghiệm, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trên từng lĩnh vực, tuyến, địa bàn...
Đại tướng Tô Lâm phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao những kết quả, thành tích các cục nghiệp vụ và Công an các địa phương đã đạt được trong quá trình thực hiện Kế hoạch 131 của Bộ Công an. “Kết quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói riêng thời gian qua đã góp phần quan trọng, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh lực lượng CAND nói chung, lực lượng CSND nói riêng”- Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương.
Chỉ ra và phân tích sâu 3 nguyên nhân còn tồn tại, Bộ trưởng Tô Lâm gợi ý các biện pháp giải quyết, đồng thời nhấn mạnh 8 yêu cầu nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian tới. Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, Công an các đơn vị, địa phương cần xác định công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện quyết liệt, kiên trì, liên tục lâu dài.
“Phương châm hành động là phải “bóp chết từ trong trứng”, làm tan rã băng nhóm ngay từ khi mới manh nha hình thành. Đối với các băng nhóm đã hình thành, phải bằng mọi biện pháp để nhanh chóng triệt phá hoặc làm tan rã, không để tội phạm hoạt động; tập trung “đánh thẳng vào đối tượng cầm đầu”, “chặt đứt nguồn kinh tế nuôi dưỡng băng nhóm”. Đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiếp tục thực hiện phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đối với tội phạm ma túy, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “đánh cả đường dây, bắt đối tượng cầm đầu, không đánh khúc giữa”.
Dù tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia hoạt động theo kiểu truyền thống tuy có giảm nhưng Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý chúng có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Về tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao, hoạt động trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, phải chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, cả phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực làm sạch tài khoản ngân hàng, thuê bao di động và tiến tới là tài khoản mạng xã hội; thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lực lượng CAND.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tội phạm hoạt động trên không gian mạng là vấn đề mới do vậy còn nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Chính vì vậy bên cạnh các cơ quan điều tra cần mạnh dạn, bản lĩnh trong áp dụng pháp luật để điều tra, xử lý các hành vi phạm tội, cần chủ động tập hợp những khó khăn, vướng mắc để báo cáo bộ từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật phù hợp, đảm bảo yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Cùng với việc phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng, người đứng đầu các đơn vị, Công an các địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng, nguồn lực cán bộ ở Công an các cấp.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các cục nghiệp vụ phát huy vai trò tư lệnh, kinh nghiệm để hướng dẫn hệ lực lượng thực hiện hiệu quả công tác này; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện những cách làm hay để phổ biến, nhân rộng ra toàn quốc./.
Hải Linh