Bạc Liêu: Nhìn lại hành trình chuyển đổi số
Cập nhật ngày: 30-01-2024
 
Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công an tỉnh Bạc Liêu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu các chuyên ngành khác để số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đổi mới quản trị theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, từ đó đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
 
Đánh giá vai trò của lực lượng Công an trong tiến trình chuyển đổi số tỉnh nhà, đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Với vai trò là Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án 06 của tỉnh, hơn 02 năm qua, Công an Bạc Liêu đã gương mẫu, đi đầu trong công tác chuyển đổi số từ việc ngày đêm quyết liệt thực hiện chiến dịch cấp CCCD, các đợt cao điểm thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh; cho đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến trên các lĩnh vực, tạo dựng niềm tin, mức độ hài lòng, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động hành chính công của ngành Công an. Đặc biệt, phát huy tối đa tiện ích của Đề án 06 trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, phòng chống tội phạm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Quyết liệt trong “cuộc chiến với đường vân”

Để có thể hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên cả nước trước ngày 31/7/2023 theo chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch mở cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Công an tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương tiên phong trong việc tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tuần để kiểm tra, đánh giá tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Công an cơ sở, cũng như đề ra các giải pháp hiệu quả trong việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ cấp CCCD trên toàn tỉnh.
 
Công an tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương tiên phong trong việc
tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tuần để đánh giá tiến độ cấp CCCD

Với sự quyết tâm của toàn lực lượng, từ lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương đã phát huy vai trò người đứng đầu, thường xuyên xuống cơ sở, nhất là các vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn và động viên “sát người, sát việc”; cho đến từng cán bộ, chiến sĩ không ngại khó khăn, gian khổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thu nhận căn cước cho người dân; tất cả đã góp phần điểm tô thêm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an Bạc Liêu hết lòng vì Nhân dân phục vụ.

Thông qua việc chủ động nắm được cơ cấu dân cư từng vùng trên toàn địa bàn, Công an các địa phương, nhất là lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong cấp CCCD cho bà con. Điển hình như khu vực thành phố Bạc Liêu với mật độ dân số đông, Công an các phường, xã tại đây đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội Zalo, Facebook để thông báo cho người dân biết thời gian, địa điểm cấp CCCD lưu động; sắp xếp cho bà con nhân dân bắt số thứ tự tương ứng với từng khung giờ cụ thể, không để xảy ra tình trạng quá tải hay trường hợp “máy chờ người hoặc người chờ máy”.
 

Lực lượng Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để cấp CCCD cho người già, người khuyết tật

Trung tá Nguyễn Thị Yến Hương, Phó Trưởng Công an Phường 1, thành phố Bạc Liêu cho biết: “Ngay khi Công an thành phố Bạc Liêu có kế hoạch chọn địa bàn Phường 1 làm điểm cấp CCCD lưu động, Ban Chỉ huy Công an phường đã chỉ đạo cho Cảnh sát khu vực phối hợp Ban Nhân dân các khóm tuyên truyền cho người dân biết để đến làm căn cước. Song song đó, Công an phường cũng bố trí cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân phố sắp xếp vị trí để xe cho công dân đến làm căn cước, đảm bảo không xảy ra tình trạng chen lấn, đậu đỗ không đúng nơi quy định”.

Hay đối với địa bàn có đến hơn 80% dân số là đồng bào Khmer như xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi; lực lượng Công an đã vận động chức sắc, người có uy tín trong đồng bào để bố trí tổ cấp CCCD lưu động tại các chùa Khmer, đồng thời thông qua các vị sư sãi cũng tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để mang theo, tránh mất nhiều thời gian hướng dẫn thủ tục. Còn đối với các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, khu vực tuyến biển, đường xá đi lại khó khăn, lực lượng Công an xã đã phối hợp với các ban dân chánh các ấp, các tổ chức đoàn thể địa phương để đưa rước tạo thuận tiện cho người dân, nhất là người già, người khuyết tật, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân dân tỉnh nhà.
 

Đối với các địa bàn có đông đồng bào Khmer, lực lượng Công an đã vận động
chức sắc để bố trí tổ cấp CCCD lưu động tại các chùa, tạo thuận tiện cho bà con

Thượng tọa Tăng Sa Vong, Trụ trì Chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi chia sẻ: “Được Công an huyện Vĩnh Lợi chọn làm điểm cấp CCCD lưu động, Ban Quản trị Chùa Cái Giá Chót đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương thông báo cho chư tăng, phật tử và bà con Nhân dân biết thời gian, địa điểm cấp CCCD. Chúng tôi cũng hỗ trợ Công an huyện trong việc bố trí máy móc, trang thiết bị cấp CCCD ngay trong khuôn viên chùa để bà con đồng bào thuận tiện sắp xếp thời gian, công việc đến làm Căn cước”.

“Vượt nắng, thắng mưa” trong cuộc đua chuyển đổi số

Bên cạnh thực hiện quyết liệt cao điểm cấp CCCD, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký kết với Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ triển khai kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Mở cao điểm “90 ngày đêm” thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 và các đợt cao điểm thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã thành lập 30 Tổ công tác trực tiếp xuống từng địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận công nghệ để tuyên truyền, vận động người dân và hỗ trợ cho lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn.
 

Lực lượng đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh phối hợp với các trường Đại học,
Cao đẳng, THPT tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên cài đặt VNeID

Đặc biệt, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tuyên truyền kết hợp thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng. Chẳng hạn, lực lượng Công an các địa bàn ven biển như: thị trấn Gành Hào, xã Vĩnh Hậu đã chủ động phối hợp với chủ tàu, doanh nghiệp thu mua hải sản để nắm thời gian các ngư dân cập bến, bố trí cán bộ “đi từng bến, đến từng ghe” để hướng dẫn họ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Hay lực lượng đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh cũng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ với nhiều công trình, phần việc thiết thực như: phối hợp với các nhà mạng viễn thông tổ chức rà soát, cập nhật thông tin chính chủ cho thuê bao di động của người dân, tạo thuận lợi khi đăng ký tài khoản định danh điện tử; phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, THPT tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên cài đặt ứng dụng VNeID; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử,…

Ông Võ Văn Anh, ngụ Ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải chia sẻ: “Là một ngư dân sống bám biển với nghề đánh bắt hải sản, thường xuyên phải ra khơi hàng tháng trời, không có nhiều thời gian cập nhật thông tin và tiếp cận với công nghệ, nhưng khi tàu thuyền cập bến, các anh Công an thị trấn Gành Hào trực tiếp đến tuyên truyền, hướng dẫn cho tôi cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Ngư dân chúng tôi thường xuyên qua lại tại các bến cảng, các trạm kiểm soát biên phòng nên phải mang theo các loại giấy tờ tùy thân để làm thủ tục. Nay với tài khoản định danh điện tử tích hợp các loại giấy tờ có liên quan, tôi thấy rất thuận tiện, thao tác cũng dễ thực hiện nữa”.
 

Lực lượng Công an “đi từng bến, đến từng tàu” tuyên truyền,
kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho ngư dân

Bên cạnh đó, Giám đốc Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an các cấp thực hiện hiệu quả các mô hình thuộc 05 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 như: Ra mắt các “Điểm truy cập dịch vụ công trực tuyến” tại bộ phận một cửa các xã, phường, thị trấn; triển khai thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại tất cả cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà cho thuê... trên địa bàn tỉnh; thực hiện đồng bộ đối tượng chính sách trên hệ thống định danh và xác thực điện tử để chi trả trợ cấp; triển khai thí điểm các nhóm chợ không dùng tiền mặt,…

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu các chuyên ngành khác để số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến. Điển hình như việc phối hợp với ngành Bưu chính trong trả kết quả cấp CCCD, hộ chiếu khi người dân đăng ký trực tuyến; hoặc phối hợp ngành Tư pháp trong tiến hành kiểm tra, đối sánh, cập nhật, đồng bộ dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư của công dân trên toàn tỉnh; phối hợp với ngành Y tế trong đồng bộ dữ liệu dân cư phục vụ đăng ký khám chữa bệnh, đối chiếu thông tin bảo hiểm y tế, quản lý lưu trú đối với bệnh nhân và người thân thăm nuôi,… Đây là một bước tiến mới trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để người dân được tiếp cận gần hơn với dịch vụ công trực tuyến, từ đó đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
 

Phối hợp với ngành Y tế trong đồng bộ dữ liệu dân cư phục vụ đăng ký
khám chữa bệnh, đối chiếu thông tin bảo hiểm y tế, quản lý lưu trú đối với bệnh nhân

Thượng tá, Bác sĩ Võ Văn Trạng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau khi nhận được kế hoạch của Công an tỉnh, Ban Giám đốc Bệnh viện cũng quán triệt, triển khai đến đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những bộ phận làm thủ tục tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh và cấp thuốc bảo hiểm y tế để nắm chủ trương. Đồng thời, bố trí khu vực mái che, bàn ghế để Tổ công tác của Công an tỉnh lắp đặt trang thiết bị cũng như chỗ ngồi cho bà con trong quá trình đăng ký thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử ngay trong khuôn viên Bệnh viện, bảo đảm quá trình thực hiện được diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của y, bác sĩ”.

Công an tỉnh cũng thực hiện việc chuyển đổi số trên các mặt công tác nghiệp vụ như: Duy trì, triển khai tốt việc tổ chức các hội nghị, giao ban kết nối trực tuyến giữa Công an các cấp; vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử theo đúng quy định của ngành Công an và bảo đảm công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; nâng cấp hoàn thiện Trang thông tin điện tử Công an tỉnh; khai thác, sử dụng có hiệu quả 174 trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội và 05 mô hình phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng”, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, thông qua thực hiện Đề án 06 cũng mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính công của lực lượng Công an toàn tỉnh. Qua đó, 155 thủ tục hành chính trên 11 lĩnh vực có liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã được bãi bỏ những thủ tục rườm rà, không cần thiết, được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Trong năm, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hơn 200.000 hồ sơ thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến, vượt 5,1% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Các trường hợp đều được giải quyết và trả kết quả đúng hẹn, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.
 
Công an Bạc Liêu về đích trong thực hiện cấp CCCD cho 100% công dân,
nằm trong 19 tỉnh, thành phố được Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương toàn quốc

Đại tá Hồ Việt Triều, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: “Với những nỗ lực, quyết tâm của toàn lực lượng, Công an Bạc Liêu đã đạt được những kết quả nổi bật trong hành trình chuyển đổi số, vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì trong việc hoàn thành xuất sắc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỷ lệ thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử vượt hơn 12% chỉ tiêu Bộ Công an giao; đồng thời, chính thức về đích trong thực hiện cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, là 01 trong 19 tỉnh, thành phố hoàn thành trước thời hạn đăng ký, được Bộ trưởng Bộ Công an biểu dương toàn quốc”.

Nhìn lại hành trình hơn 02 năm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, có thể khẳng định thành quả ấy có được chính bởi sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là tinh thần quyết tâm, nỗ lực của toàn lực lượng Công an, luôn sẵn sàng “vượt nắng, thắng mưa” trong cuộc đua chuyển đổi số. Đây cũng chính là động lực để tỉnh nhà bước sang giai đoạn mới, tạo được sự bức phá mới trong tiến trình xây dựng công dân số, xã hội số, hội nhập vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia./.
 
Trọng Nguyễn