Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc
Cập nhật ngày: 29-11-2023
 
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, thời gian qua, Công an Bạc Liêu luôn quan tâm, chú trọng việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, công tác xây dựng phong trào đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, khơi dậy được sức mạnh và vai trò làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.
 
Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, những năm qua, Công an Bạc Liêu đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, điển hình như: Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chương trình số 14 của Bộ Công an về công tác trọng tâm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,…
 

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
thăm và tặng quà “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”
– một trong 09 mô hình của Bạc Liêu được nhân rộng toàn quốc

Công an tỉnh cũng chú trọng sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo từng giai đoạn. Trong năm 2023, đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức nhiều hội nghị lớn liên quan công tác xây dựng phong trào, công tác dân vận như: Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, giai đoạn 2013 – 2023”; Hội nghị Sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm” trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2023; Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 – 2023,…


Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 138 Trung ương thăm, làm việc với “Tổ giáo dân tự quản,
tự phòng về ANTT” – một trong
09 mô hình của Bạc Liêu được nhân rộng toàn quốc
 
Qua đó, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, toàn tỉnh Bạc Liêu có 50 mô hình, với 263 điểm nhân rộng gồm 1.522 tổ, gần 22.000 thành viên làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, trong đó có 09 mô hình được Bộ Công an công nhận và nhân rộng trên toàn quốc, gồm: “Câu lạc bộ người hoàn lương”; “Tổ tự quản dòng tộc về ANTT”; “Tổ giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT”; “Tuyến kênh an toàn về ANTT”; “Tổ ngư dân tự quản về ANTT trên biển”; “Tổ công nhân dịch vụ đô thị tự quản về ANTT”; “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Câu lạc bộ nữ phòng chống tội phạm”“Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng chống tội phạm”. Đa số các mô hình đều có sức lan toả, được Bộ Công an và UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Đây là kết quả mang tính đột phá, thể hiện tính năng động, sáng tạo của lực lượng Công an các cấp trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều này được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận nhấn mạnh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2018 – 2023: “Việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác quản lý nhà nước về ANTT sẽ góp phần tạo điểu kiện bảo đảm an toàn, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ANTT ở cơ quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến sẽ góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển, giữ vững ổn định ANTT, tạo môi trường an ninh, an toàn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.
 

Lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo Cục
Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ,
Bộ Công an tặng quà cho
“Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng chống tội phạm”

Lực lượng Công an các cấp cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình theo các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, góp phần đưa phong trào ngày càng thực chất, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở. Điển hình như các mô hình Tổ ngư dân tự quản về ANTT trên biển”; “Tổ tự quản về ANTT đê biển”; “Tổ tự quản về ANTT rừng phòng hộ”, đã phát huy vai trò của người dân trong bảo đảm ANTT trên tuyến biên giới biển. Hay thông qua các mô hình như “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer”; “Tổ giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT”; “Tổ tự quản người Hoa”; “Tổ tự quản dòng tộc về ANTT”; “Tổ tự quản về ANTT chùa Hưng Thiện”; “Giáo xứ Đất Sét an toàn về ANTT”; “Tổ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong Cao đài Tiên Thiên”, lực lượng Công an đã tiếp nhận hơn 400 nguồn tin có giá trị liên quan ANTT do chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc cung cấp. Nhiều mô hình tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm như: “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng chống tội phạm”; “Hội Nông dân phòng chống tội phạm”; “Tổ công nhân dịch vụ đô thị tự quản về ANTT”; “Khu công nghiệp an toàn về ANTT”; “Tổ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường”; “Cổng trường an toàn giao thông”; “Sáng, xanh, sạch, đẹp và kiểu mẫu về ANTT”,…

Chuyển biến tích cực về ANTT tại địa phương

Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với các cuộc vận động, phong trào cách mạng và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong năm 2023, Công an toàn tỉnh phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 1.406 cuộc, 131.274 người tham dự, phát 155.853 tờ rơi, tổ chức 21.074 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, phát loa lưu động tại địa bàn dân cư. Qua đó, thành viên các mô hình, tổ chức quần chúng đã phát huy vai trò làm chủ trong tham gia giữ gìn ANTT ở cơ sở, cung cấp cho cơ quan Công an 1.994 nguồn tin liên quan ANTT; vận động Nhân dân giao nộp 2.278 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo; hòa giải thành công 384 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân,… góp phần bảo đảm ổn định ANTT trên địa bàn.
 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm t
rao Bằng khen,
Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho các cá nhân có thành tích
xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Bạc Liêu

Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với lực lượng Dân quân tự vệ, Đồn Biên phòng, Đội Kiểm lâm cơ động tổ chức 731 cuộc tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Ngoài ra Công an cơ sở cũng tổ chức 64 diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, với hơn 3.200 người tham dự tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Qua đó, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân với 370 ý kiến đóng góp liên quan công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAND.
 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận tặng Bằng khen
biểu dương điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động có thành tích
xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Trên cơ sở thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng Công an toàn tỉnh cũng chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác dân sinh, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Công an tỉnh đã đóng góp và vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 156 căn nhà tình thương, tình nghĩa, 13 cầu giao thông nông thôn, trao tặng hơn 12.500 phần quà, 21.000 quyển tập, 158 suất học bổng, 465 thẻ bảo hiểm y tế, hơn 60 tấn gạo,… cho các gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.
 

Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen
của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện
Chương trình phối hợp số 09 về thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Thông qua công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 01 cá nhân; Bộ Công an tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho 09 tập thể, 40 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.

Củng cố lực lượng nòng cốt làm công tác phong trào ở địa bàn cơ sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thời gian qua vẫn còn một số hạn chế nhất định: Các mô hình, điển hình tiên tiến phát triển chưa đồng đều, có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng, nhiều mô hình thiếu thiết thực; công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc từng lúc chưa được tiến hành kịp thời. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến nên chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chưa được thường xuyên, chặt chẽ.
 

Công an tỉnh Bạc Liêu chung tay cùng cấp ủy, chính quyền
làm tốt công tác
dân sinh, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương

Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng rất nặng nề. Do đó, với vai trò tham mưu nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo Công an các cấp thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến với cách làm sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, góp phần chung sức, chung lòng cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra”.

Trên cơ sở xác định công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, do lực lượng Công an làm nòng cốt. Công an tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
 

Thông qua các hội nghị, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”
để phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong bảo đảm ANTT địa phương

Thường xuyên nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao, thanh loại những mô hình kém hiệu quả; kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phổ biến những mô hình hay, cách làm sáng tạo để các đơn vị, địa phương vận dụng. Tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT theo hướng xã hội hóa với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” từ gia đình đến cộng đồng dân cư, tạo mọi điều kiện cho Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, năng lực sáng tạo, tạo nền tảng để mô hình phát triển bền vững và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công an tỉnh tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo cơ sở pháp lý sắp xếp, kiện toàn 03 lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách trên cơ sở dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Quốc hội thông qua. Trong năm 2023, đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng; 05 lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và các tổ chức quần chúng tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở và 128 lớp huấn luyện, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH cho cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn tỉnh.
 

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao hiệu
quả hoạt động của các lực lượng làm công tác phong trào ở địa bàn cơ sở

Để phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt hiệu quả thiết thực và lan tỏa mạnh mẽ, cần chú trọng công tác xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở như lời phát biểu của Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2023: Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, động viên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình; trong đó, chú trọng chăm bồi, phát huy những nhân tố tích cực làm “hạt nhân” để tập hợp, quy tụ các thành viên tham gia, đưa mô hình ngày càng phát triển. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên, thành viên mô hình; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tạo động lực thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo đảm ANTT, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.

Có thể khẳng định công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển, là một trong những cơ sở thực tiễn để phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc, qua đó phát huy được tính tích cực, khơi dậy được sức mạnh và vai trò làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
 
Trọng Nguyễn