CÔNG AN BẠC LIÊU
Luật Thực hiện dân chủ ở sở - Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân
Cập nhật ngày: 7-10-2023, lượt xem: 68
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc).

Luật gồm có 6 chương và 91 điều. Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, Luật dành 35 điều quy định về dân chủ ở xã, phường, thị trấn; 18 điều quy định về dân chủ ở cơ quan, đơn vị; 18 điều quy định về dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước; 1 điều quy định về dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.
 
Công an tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Những nội dung, chính sách mới có liên quan đến hoạt động của lực lượng Công an nhân dân
Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
* Những nội dung cần công khai để Nhân dân biết: 
Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở theo hướng cập nhật, bổ sung các quy định tương ứng trong các luật chuyên ngành như: Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật liên quan; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc công khai thông tin (Điều 14); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66). 

* Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định:
Ở cộng đồng dân cư: Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bằng một trong các hình thức sau: (i) Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác Mặt trận Tổ quốc thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố (Điều 18); (ii) Phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình (Điều 19); (iii) Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức toàn thể cử tri trên địa bàn, quyết định về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó (Điều 17). Về tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư (nhất là các quyết định liên quan đến các khoản đóng góp...) được thông qua khi có 2/3 trở lên hoặc trên 50% tổng số hộ gia đình tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện trên thực tế (Điều 21). 

Tại cơ quan, đơn vị và tại tổ chức có sử dụng lao động: Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động.

Trường hợp không thể tổ chức hội nghị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị hoặc người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong tổ chức sau khi đã thống nhất với ban đại diện của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở (Điều 68). 

* Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến:
Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan; đồng thời bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tập thể Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức thực hiện để Nhân dân tham gia ý kiến (Điều 28), trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74). 

* Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát: 
Nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát để phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, người dân kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung mà Nhân dân đã bàn, quyết định và thực hiện giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 30), của người đứng đầu, ban lãnh đạo, người có thẩm quyền của cơ quan, đơn vị (Điều 56) và của tổ chức có sử dụng lao động, người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của tổ chức có sử dụng lao động (Điều 75). Công dân có thể trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua các hoạt động lao động, sản xuất, học tập, làm việc, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động… hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở (các Điều 31, Điều 57, Điều 76). 

* Những nội dung người dân thụ hưởng: 
Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, người dân được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định (nếu có) của chính quyền địa phương mà mình được hưởng; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội và sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động nơi làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng…

Thông qua việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cán bộ, người lao động có thể tham gia thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, nhất là tham gia thảo luận, ý kiến, quyết định kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, tiếp tục khẳng định, phát huy tối đa quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân.

 
Công an huyện Vĩnh Lợi tổ chức hội nghị“Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”

Có thể khẳng định, việc thực hiện nghiêm túc các quy định về dân chủ ở cơ sở trong Công an nhân dân giúp lực lượng Công an ngày càng gần dân, sát cơ sở, cũng như dễ dàng nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, chiến sĩ. Góp phần xây dựng lực lượng Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, hướng đến mục tiêu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” vào năm 2030.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện dân chủ trong các lĩnh vực công tác Công an. Nhất là việc triển khai, thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, đưa nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tạo hiệu quả và sức lan tỏa rộng khắp trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an toàn tỉnh.

Đặc biệt, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, tiếp công dân, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục với tinh thần “Vì Nhân dân phục vụ”. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân biết, tham gia giám sát, kiến nghị, phản ánh việc thực thi công vụ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Công an Bạc Liêu với người dân ngày càng được gắn bó. Hình ảnh những người cán bộ, chiến sĩ Công an tận tâm phục vụ Nhân dân, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân ngày càng được tôn vinh, lan tỏa sâu rộng, được chính quyền các cấp và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại tỉnh nhà./.
Phương Thảo

Các tin khác