Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cập nhật ngày: 4-10-2023
 
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến khá phức tạp ở nhiều nơi, với các phương thức, thủ đoạn khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người bị hại và tạo dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình trên, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý quyết liệt nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
 
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan 17 đối tượng, tổng số tài sản thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các đối tượng thường nhắm vào những người thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo, nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác để lợi dụng chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là một số đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác và thiếu hiểu biết về quy trình, thủ tục vay vốn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, vào ngày 04/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Phúc Nhân, sinh năm 1994, ngụ xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, ngày 07/6/2022, Nguyễn Phúc Nhân là cán bộ tín dụng ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng với hạn mức vay là 01 tỷ đồng. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, Nguyễn Phúc Nhân đã lừa đảo, rút 500 triệu đồng từ tài khoản của khách hàng để tiêu xài cá nhân.
 

Đối tượng Nguyễn Phúc Nhân

Hay trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Mộng Huyền Trang, sinh năm 1989, ngụ xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình và Lê Huỳnh Mi, sinh năm 1987, ngụ xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình để điều tra, làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, trong thời gian công tác tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, từ tháng 11/2020 đến tháng 01/2023 Lê Mộng Huyền Trang đã cấu kết với Lê Huỳnh Mi đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản để sử dụng vào mục đích cá nhân. Với thủ đoạn trên, Lê Mộng Huyền Trang và Lê Huỳnh Mi đã chiếm đoạt của nạn nhân với số tiền gần 02 tỷ đồng.
 

Lê Mộng Huyền Trang và Lê Huỳnh Mi tại cơ quan Công an

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đa số các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều gây thiệt hại lớn cho người bị hại, giá trị tài sản bị chiếm đoạt có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng. Để lấy được lòng tin của bị hại, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước; lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua internet, mạng xã hội; lừa đảo thông qua tin nhắn trúng thưởng, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; lừa đảo thông qua kêu gọi đầu tư, tài trợ, kinh doanh đa cấp, tiền ảo; thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý…

Trước thực trạng trên, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Bên cạnh công tác điều tra, xử lý tội phạm, lực lượng Công an toàn tỉnh còn làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phát huy hiệu quả các mô hình, tổ chức quần chúng phòng, chống tội phạm ngay tại địa bàn cơ sở.

Để góp phần phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần tăng cường nghiên cứu những kiến thức về chính sách, pháp luật, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”; nâng cao ý thức tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản, không để sơ hở cho kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Qua đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân./.
 
Trọng Thức