Bảo đảm an toàn giao thông - động lực phát triển kinh tế, xã hội
Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông luôn được sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát từ Trung ương đến địa phương thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các mặt công tác như: Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới”; Điện số 05 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; Kế hoạch số 100 của UBND tỉnh Bạc Liêu về thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước những diễn biến của tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay, để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông trong tình hình mới” đến các sở, ban, ngành, địa phương
Đổi mới tư duy, nhận thức trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, đã tham mưu Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm cần quán triệt, thực hiện là: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% so với năm 2022; không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, các khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, theo chia sẻ của Thượng tá Bùi Trung Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: “Phòng Cảnh sát giao thông đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Đồng thời, tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường siết chặt trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông. Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm trật tự, an toàn giao thông”.
Công an tỉnh đã ký kết với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện
kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tăng ni, phật tử
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp cơ bản góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông. Đặc biệt, đã tổ chức lắp đặt 35 panô tuyên truyền với thông điệp “Một ý thức – Triệu niềm vui” tại các trụ đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần truyền tải một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tác động trực quan đến nhận thức của người tham gia giao thông.
Tổ chức 16 buổi tuyên truyền tại các khu dân cư, các điểm trường, với hơn 4.000 lượt người tham dự, phát 1.700 tờ rơi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Đặc biệt, Công an tỉnh đã ký kết với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện Kế hoạch “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023 - 2026”, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và tăng ni, phật tử khi tham gia giao thông. Đặc biệt, Công an tỉnh cũng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong đăng ký, phân cấp quản lý xe ô tô, xe mô tô theo Thông tư 24 của Bộ Công an; trong điều khiển giao thông, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền
trật tự an toàn giao thông tại các khu dân cư, điểm trường trên toàn tỉnh
Phòng Cảnh sát giao thông và Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, đánh giá các mặt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, địa bàn phụ trách; quán triệt cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuề xòa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Qua đó, trong 06 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản hơn 12.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tạm giữ hơn 2.700 phương tiện các loại, tước hơn 1.800 giấy phép lái xe, xử phạt hành chính hơn 11.000 trường hợp, với tổng số tiền gần 26,3 tỷ đồng.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát,
phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông
Lực lượng chức năng tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như: điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải... Đặc biệt, tiếp tục kiểm soát, xử lý quyết liệt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân toàn tỉnh. Trong đó, Công an các địa phương triển khai kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến đường, từng địa bàn, tập trung tại thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu du lịch... Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe người dân, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Qua đó, những người tham gia giao thông đều nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và đồng tình ủng hộ.
Anh Trần Văn Giàu, người dân thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Khi điều khiển xe máy tôi luôn chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lúc nào cũng mang theo giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm xe đầy đủ. Đặc biệt, tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe”.
Ông Trần Quang Chánh, người dân Khóm 7, Phường 1, thành phố Bạc Liêu chia sẻ: “Thông qua báo đài đưa tin, tôi biết bây giờ Cảnh sát giao thông sẽ xử lý rất nghiêm vi phạm nồng độ cồn, nên dù bạn bè có mời rủ nhiệt tình nhưng tôi tuyệt đối không uống ly bia nào khi đã lái xe”.
Quyết liệt các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông
Xác định tình trạng cơ nới thành, thùng xe, quá tải, quá khổ là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông trong thời gian qua. Ngày 15/8/2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, ô tô vận tải hàng hóa bằng container tại các tuyến giao thông thường xuyên xảy ra tai nạn, các tuyến Quốc lộ 1, Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp, các tuyến liên tỉnh, liên huyện và khu vực các điểm trung chuyển đón trả khách, bến bãi, khu công nghiệp. Tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ như: chở quá số người quy định; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; vượt tốc độ; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; không có giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường,…
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đồng loạt ra quân tổng kiểm soát xe
ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh cũng tổ chức cho chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hoá bằng container ký cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, người đã sử dụng rượu bia điều khiển; tổ chức kiểm tra sức khỏe của lái xe, không tuyển dụng, sử dụng lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác; không đưa phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định vào hoạt động vận tải. Đồng thời, yêu cầu lái xe ký cam kết tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không sử dụng nồng độ cồn, ma túy hoặc các chất kích thích khác; chở quá số người; chở hàng không đúng trọng tải, kích cỡ cho phép.
Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ doanh nghiệp xe khách Hà My chia sẻ: “Qua các báo đài, tôi được biết Công an tỉnh đang thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát trật tự, an toàn giao thông, nên tôi đã kiểm tra lại hồ sơ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của toàn bộ xe khách trong hệ thống. Đồng thời, quán triệt toàn bộ tài xế không sử dụng rượu bia, chất kích thích khi lái xe; thực hiện dừng đỗ đúng nơi quy định”.
Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các phương tiện
ô tô tải cơ nới thành, thùng xe, quá tải, quá khổ
Để bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông; lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh cần chú trọng việc phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát; không ngừng nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân; lan tỏa hình ảnh đẹp về lực lượng Cảnh sát giao thông, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.
Song, để đạt được những mục tiêu trên, thì một trong những yếu tố quan trọng đó là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Rà soát, xử lý dứt điểm các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, phải quán triệt phương châm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” đến từng tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật, cung ứng phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả.
Tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng đọ cồn tiến tới
hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”
Với quyết tâm chính trị cao nhất, tin chắc rằng tình hình trật tự, an toàn giao thông sẽ tiếp tục được bảo đảm, tai nạn giao thông sẽ được kéo giảm cả 03 tiêu chí. Song, thiết nghĩ, bên cạnh sự quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng thì mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông để tự bảo vệ mình cũng như có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho những người tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.
Trọng Nguyễn