Phát huy hiệu quả các mô hình góp phần xây dựng nông thôn mới tại xứ biển Bạc Liêu
Những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có bước phát triển sâu rộng với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đa dạng. Để phong trào ngày càng lan toả và phát huy hiệu quả tích cực, Công an các địa phương trong tỉnh thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, tổ chức quần chúng vốn được xem là những “cánh tay nối dài” thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần sớm đưa Bạc Liêu về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XVI, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng rất nặng nề. Song, với vai trò tham mưu nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT, những năm qua, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo Công an các cấp thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng việc xây dựng, củng cố và phát triển nhiều mô hình với cách làm sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, góp phần chung sức, chung lòng cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra”.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đến thăm và
tặng quà mô hình “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer” xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi
Hiện tại, toàn tỉnh Bạc Liêu có 265 mô hình làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, trong đó có 08 mô hình được Bộ Công an công nhận và nhân rộng trong toàn quốc, gồm: “Câu lạc bộ người hoàn lương”, “Tổ tự quản dòng tộc về ANTT”, “Tổ Giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT”, “Tuyến kênh an toàn về ANTT”, “Tổ Ngư dân tự quản về ANTT trên biển”, “Tổ công nhân dịch vụ đô thị tự quản về ANTT”, “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer” và “Câu lạc bộ nữ phòng chống tội phạm”. Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng gần 1.300 tổ chức quần chúng theo các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, góp phần từng bước đưa phong trào ngày càng thực chất, phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở.
Điển hình như tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi - một xã với gần 70% dân số là đồng bào Khmer. Để thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Vĩnh Lợi phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ 3 tích cực trong đồng bào dân tộc Khmer” vào ngày 10/10/2014, với các thành viên là những người có uy tín, chức sắc các chùa và bà con nhân dân tiêu biểu ở các ấp trên địa bàn, duy trì sinh hoạt theo 03 mục tiêu cơ bản là: Tích cực tham gia thực hiện tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ANTT và tham gia tự hòa giải ở cơ sở; Tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và văn hóa cộng đồng; Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Qua gần 09 năm hoạt động, các thành viên mô hình đã cùng lực lượng Công an xã tuần tra đảm bảo ANTT trên địa bàn hơn 500 cuộc, hòa giải hơn 70 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Câu lạc bộ cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống bà con đồng bào, đoàn kết, tương trợ nhau xóa đói giảm nghèo, vận động đóng góp kinh phí xây dựng 08 căn nhà tình thương, nâng cấp gần 20km đường giao thông nông thôn, hỗ trợ việc làm cho hàng chục trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cùng hàng trăm phần quà cho các em học sinh nghèo hiếu học… với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và tặng quà
mô hình “Tổ giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT” xã Tân Phong, thị xã Giá Rai
Còn đối với xã Tân Phong – một địa bàn vùng ven của thị xã Giá Rai, cũng vừa về đích trong xây dựng “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là kết quả sau một năm quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của các mô hình, tổ chức quần chúng, đặc biệt là mô hình “Tổ giáo dân tự quản, tự phòng về ANTT” – một trong 08 mô hình của tỉnh Bạc Liêu được Bộ Công an nhân rộng trong toàn quốc.
Mô hình được thành lập vào ngày 31/10/2014, gồm 10 tổ, quản lý gần 270 hộ với hơn 900 đồng bào giáo dân trên địa bàn. Tính riêng năm 2022, mô hình đã tạo điều kiện giúp đỡ, giới thiệu việc làm cho hơn 20 giáo dân, hỗ trợ 15 hộ vay vốn để mua bán, chăn nuôi với số tiền trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, hằng tháng Ban Chỉ đạo mô hình cũng vận động mạnh thường quân hỗ trợ hơn 800kg gạo cho bà con giáo dân có hoàn cảnh khó khăn. Thành viên mô hình cũng tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã hòa giải thành công 06 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân. Thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, Ban Chỉ đạo mô hình cũng tuyên truyền, vận động đồng bào giáo dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương cư trú; thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, qua đó đã có 1.106 hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm ANTT địa phương.
Đặc biệt, trong những năm qua, mô hình “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm” đã trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại tỉnh Bạc Liêu. Qua đó, được Bộ Công an lựa chọn làm điểm chỉ đạo tổ chức hội nghị sơ kết nhằm nhân rộng trong toàn quốc vào ngày 18/7/2023 vừa qua. Mô hình ra mắt ngày 20/4/2016, tại xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai; đến nay, sau hơn 07 năm đi vào hoạt động, đã nhân rộng tại 57/64 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với hơn 3.300 thành viên tham gia.
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ
an ninh Tổ quốc và ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu
tặng quà mô hình “Câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh phòng chống tội phạm”
Nhiều năm qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, chỉ tính riêng giai đoạn 2021 – 2023, các thành viên mô hình đã cung cấp nhiều nguồn tin giúp lực lượng Công an triệt xóa hơn 50 điểm tệ nạn xã hội, 40 trường hợp sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép; hòa giải 300 vụ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Bên cạnh đó, các thành viên còn thực hiện tốt các phong trào cách mạng ở địa phương như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Thông qua thực hiện “Năm Dân vận khéo” hàng năm, Câu lạc bộ cũng vận động các thành viên và bà con nhân dân đóng góp xây dựng, sửa chữa 176 căn nhà, hỗ trợ cây con giống, trao tặng hàng ngàn phần quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, với tổng số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an cho biết: “Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, động viên, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình; trong đó, chú trọng chăm bồi, phát huy những nhân tố tích cực làm “hạt nhân” để tập hợp, quy tụ các thành viên tham gia, đưa mô hình ngày càng phát triển. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho cán bộ, hội viên, thành viên mô hình; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để tạo động lực thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo đảm ANTT, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.
Với những đóng góp tích cực của 03 mô hình nói riêng và hàng trăm mô hình, tổ chức quần chúng trên địa bàn tỉnh nói chung, thực sự đã phát huy hiệu quả trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới tại xứ biển Bạc Liêu./.
Trọng Nguyễn