Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm truy nã
Cập nhật ngày: 18-07-2023
 
Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cơ bản được giữ vững, tội phạm và vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, từng lúc vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là số đối tượng sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm này, ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác vận động, truy bắt đối tượng truy nã, góp phần hạn chế việc phát sinh tội phạm mới, phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả do đối tượng truy nã gây ra.
 
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 97 đối tượng truy nã cần xác minh, truy bắt, vận đồng đầu thú và thanh loại. Trong đó, lực lượng Công an đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại gần 40 đối tượng, trong đó có 16 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Kết quả đó được xem là sự nỗ lực to lớn của lực lượng Công an toàn tỉnh trong việc thực hiện công tác truy nã tội phạm.
 

Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi Hội ý nghiệp vụ về công tác truy nã
 
Có những đối tượng sau khi gây án, bỏ trốn khỏi địa phương và dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm không bỏ lọt tội phạm, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã đưa các đối tượng nhiều năm lẩn trốn ra chịu tội trước pháp luật. Điển hình là vào tháng 01/2023, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bạc Liêu đã bắt giữ khẩn cấp Phạm Hoàng Lợi, là bị can bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về hành vi cố ý gây thương tích. Được biết, vào cuối năm 2005, trong lúc đang ngồi nhậu cùng người thân tại Thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình thì Phạm Hoàng Lợi bị một nhóm khoảng 20 người mang theo mã tấu, gậy sắt, mũi chĩa xông vào chém. Lúc này, Lợi cùng nhiều người thân trong gia đình cầm gậy đánh trả. Vụ hỗn chiến này làm một số người bị thương nặng. Sau khi tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người có liên quan, trong đó có Phạm Hoàng Lợi về hành vi cố ý gây thương tích. Bằng các biện pháp nghiệp, lực lượng Công an đã bắt giữ được Phạm Hoàng Lợi sau 17 năm lẩn trốn.
 

Bị can Phạm Hoàng Lợi tại cơ quan Công an

Thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm truy nã cho thấy, các đối tượng thường xuyên sử dụng những biện pháp, thủ đoạn tinh vi như: làm giả giấy tờ, thay tên đổi họ, tạo vỏ bọc hợp pháp nhằm che dấu tung tích; thậm chí một số đối tượng sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.

Điều này đặt ra cho lực lượng Công an nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc xác minh, truy bắt đối tượng. Do đó, để làm tốt công tác truy nã tội phạm, phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều biện pháp xác minh, vận động, truy bắt, đối tượng truy nã theo thẩm quyền. Thường xuyên rà soát, phân loại số đối tượng truy nã trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động phối hợp với các ngành chức năng nắm tình hình, quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự… Qua đó, kịp thời phát hiện đối tượng truy nã đang lẩn trốn, góp phần làm giảm số đối tượng truy nã ngoài xã hội, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
 

Lực lượng Công an tổ chức họp dân tuyên truyền về phòng chống tội phạm

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, lực lượng Công an còn chú trọng, phát huy hiệu quả công tác dân vận và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong truy nã tội phạm. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở. Tuyên truyền về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phương thức, thủ đoạn hoạt động và lẫn trốn của tội phạm; cũng như tuyên truyền về nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, công tác đấu tranh với tội phạm truy nã nói riêng. Qua đó, để người dân nâng cao nhận thức về việc cung cấp thông tin, tham gia bắt giữ, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, góp phần bảo vệ lợi ích của bản thân và cộng đồng, sự bình yên của xã hội./.
 
Phương Thảo