“Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong phòng chống tham nhũng
Cập nhật ngày: 12-07-2023
 
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi “nạn” tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
 
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từng khẳng định: “Ban Chỉ đạo phải trong sạch, xứng đáng, nếu nhúng chàm thì nói không ai nghe. Ai trong Ban Chỉ đạo vi phạm sẽ xử lý trước. Không được cậy mình có quyền muốn làm gì làm, muốn uốn thẳng thành cong. Phải hết sức trong sạch, bản thân mình có trong sạch thì mới đi chống người khác được”. Đó không chỉ thể hiện sự quyết tâm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, mà còn truyền tải sự mong muốn, kỳ vọng của Nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu triển khai quyết định thành lập
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh

Đầu tháng 7/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 472-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo được thành lập gồm 15 thành viên, do đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Các cơ quan như Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là cánh tay đắc lực của Ban Chỉ đạo. Song song đó, còn có các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh... đóng vai trò quan trọng để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là tập trung chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Khi có căn cứ xác định cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và Nhà nước.
 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Chia sẻ sau khi nghe thông tin về việc tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bà Ngô Thu Hà, người dân Phường 1, thành phố Bạc Liêu tâm đắc: “Là một người dân, tôi rất mong đợi và tin tưởng vào Ban Chỉ đạo. Đặc biệt là thời gian qua, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực của Bạc Liêu được phát hiện, xử lý kịp thời. Tôi ấn tượng nhất là những vụ việc gần đây, như vụ sai phạm tại CDC Bạc Liêu; vụ xét xử cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng; vụ xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ vì những sai phạm liên quan đến đất đai, bồi hoàn giải phóng mặt bằng… Cũng như nhiều người dân khác trong tỉnh, tôi mong muốn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phải mạnh mẽ hơn, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng, làm sao để tội phạm này không còn đất sống”.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh là nhiệm vụ cấp bách và thiết thực trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đúng như quan điểm chỉ đạo về đấu tranh, phòng chống tham nhũng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực. Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế; nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên rõ rệt.

Nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng

Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt những kết quả nổi bật. Các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu, xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực kịp thời và nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện theo quy định, nhất là các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Đại tá Châu Quốc Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng. Đồng thời, Lãnh đạo Công an tỉnh cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, Công an tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan điều tra tập trung làm rõ và xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật”.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý, điều tra 08 vụ, 13 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 03 vụ, 05 bị can, gồm vụ án “Tham ô tài sản” phát hiện ngày 29/8/2022 tại khóm Trà Kha (Phường 8, thành phố Bạc Liêu); vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại một công ty giao hàng nhanh chi nhánh Bạc Liêu; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường Tiểu học Phong Tân (thị xã Giá Rai).
 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 
Bạc Liêu tống đạt quyết định khởi tố bị can,
bắt tạm giam Nguyễn Quốc Huy về hành vi “Tham ô tài sản

Đáng chú ý nhất là vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại một công ty giao hàng nhanh chi nhánh Bạc Liêu, bởi chỉ trong vỏn vẹn 02 ngày, đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lớn của công ty. Theo kết quả điều tra, Nguyễn Quốc Huy (sinh năm 2000, ngụ xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) làm nhân viên cho một công ty giao hàng nhanh có chi nhánh tại thành phố Bạc Liêu. Nhiệm vụ của Huy là nhận lệnh từ công ty để giao hàng và thu tiền hàng từ khách; đảm bảo tiền thu hộ từ người nhận được nộp về công ty đầy đủ và đúng thời hạn. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong hai ngày 21 và 22/01/2022, Huy thu tiền từ nhân viên phát triển thị trường nhưng không giao nộp về công ty, sau đó chiếm đoạt 300 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Ngày 25/3/2023 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra, xử lý về hành vi “Tham ô tài sản”.

Các vụ án tham nhũng được cơ quan thực thi pháp luật đưa ra xét xử nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Điển hình là mức án tù chung thân mà TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên vào ngày 16/11/2021 đối với bị cáo Bạch Thu Loan, (sinh năm 1971, cựu Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ, Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh Bạc Liêu) về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2012, bị cáo Bạch Thu Loan đã rút tiền từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Bạc Liêu, nhưng không nhập trên sổ theo dõi quỹ tiền mặt; chiếm đoạt tiền hoàn tạm ứng đối với 02 khu tái định cư; lập phiếu chi khống trên sổ sách kế toán; nhập phiếu chi khống... qua đó chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
 

Tham ô 6,5 tỷ đồng, bị cáo Bạch Thu Loan bị tuyên phạt tù chung thân

Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 11/4/2023 vừa qua, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thăm (sinh năm 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh) 02 năm tù giam; Châu Hoàng Đỉnh (sinh năm 1979, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh) 04 năm tù giam và Hứa Thị Hằng Mơ (sinh năm 1977, cựu Kế toán thanh toán) 03 năm tù, cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Thăm thời điểm còn làm Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh, là người đứng đầu nhưng lại buông lỏng trong công tác quản lý tài chính, không quản lý chặt chẽ các nguồn kinh phí thanh quyết toán các phương án bồi hoàn giải tỏa, tái định cư; thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán của đơn vị. Định kỳ kế toán, bị cáo Thăm không chỉ đạo bộ phận kế toán đối chiếu số liệu trên sổ sách kế toán với chứng từ thực tế theo quy định, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thủ quỹ Bạch Thu Loan chiếm đoạt số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
 

Các bị cáo Châu Hoàng Đỉnh, Nguyễn Văn Thăm, Hứa Thị Hằng Mơ (từ phải qua) tại phiên tòa

Bị cáo Châu Hoàng Đỉnh với nhiệm vụ được phân công là Kế toán trưởng và bị cáo Hứa Thị Hằng Mơ với nhiệm vụ được phân công Kế toán thanh toán, nhưng cả hai đã quản lý tài chính lỏng lẻo các nguồn kinh phí như: Không kiểm tra giám sát việc đối chiếu định kỳ kế toán chứng từ thu, chi với số liệu, sổ sách kế toán; không kiểm tra việc đối chiếu số liệu trên sổ chi tiết tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh với sổ sách, chứng từ thu, chi của Ban Quản lý dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp tỉnh nên trong thời gian dài mà không phát hiện Bạch Thu Loan chiếm đoạt số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/3/2021, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt bị cáo Bùi Quang Ánh (sinh năm 1962, cựu Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu) 07 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời, tuyên phạt 03 bị cáo là thuộc cấp của Ánh, gồm Bùi Mạnh Hòa (sinh năm 1976), Lê Trung Kiên (sinh năm 1975) và Ngô Văn Tá (sinh năm 1976) với các mức án lần lượt là chung thân, 27 năm tù giam, 22 năm tù giam về các tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 

Các bị cáo Bùi Quang Ánh (áo đen), Ngô Văn Tá, Lê Trung Kiên
và Bùi Mạnh Hòa (đứng từ phải qua) tại phiên tòa

Theo cáo trạng, với vai trò là Giám đốc trung tâm, trong thời gian từ năm 2012 –2017, Ánh đã duyệt cho 03 thuộc cấp của mình là Hòa, Kiên, Tá tạm ứng số tiền rất lớn, vượt quá 70% giá trị công trình nhưng không có biện pháp kiểm tra, chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Việc này đã tạo điều kiện cho Hòa, Kiên, Tá chiếm đoạt tiền của trung tâm và người lao động trong thời gian dài với số tiền lên đến gần 8,6 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện những giải pháp trọng tâm

Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức rà soát các quy định pháp luật hết hiệu lực hoặc còn thiếu, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, từ đó kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp, đúng với quy định hiện hành. Tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm như thực hiện rà soát, xác định danh mục các vị trí công tác thuộc lĩnh vực, ngành nghề phải chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện đầy đủ các nội dung công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát tiến tới cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả ở cấp xã; tăng cường công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ; đẩy mạnh tỷ lệ kiến nghị, thu hồi tài sản tham nhũng.
 

Đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với Đảng ủy Công an tỉnh
về công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trên cơ sở quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, trọng tâm là về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, như: Xây dựng, ban hành quy chế hoạt động, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; công khai các quy định, quy trình, thủ tục, mức thu phí, lệ phí, thời hạn giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là “tham nhũng vặt”.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là đối với những vụ nghiêm trọng, phức tạp, luôn được Ban Chỉ đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, tạo bước đột phá trong xử lý án tham nhũng tại địa phương. Từ đó hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thật sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” – Đại tá Châu Quốc Huy chia sẻ thêm.
 

Đoàn công tác Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương làm việc với Đảng ủy
Công an tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nâng cao vai trò trách nhiệm của xã hội. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp với các cơ quan dân cử như Mặt trận Tổ quốc, nhằm nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị; tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân nắm và thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, chính quyền các cấp phải kịp thời xem xét, xử lý kiến nghị sau giám sát của các cơ quan dân cử nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Kịp thời giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, cung cấp thông tin và trả lời cơ quan báo chí theo quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát hiện, phản ánh hành vi tham nhũng./.
 
Trọng Nguyễn