Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản. Để chủ động trong công tác PCCC, bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn công tác PCCC và trực tiếp kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Công an tỉnh Bạc Liêu còn chỉ đạo lực lượng Công an các cấp xây dựng các mô hình PCCC ở địa bàn cơ sở, nhất là các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, góp phần kéo giảm và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh xây dựng các mô hình PCCC
Khóm 10, Phường 1, thành phố Bạc Liêu là địa bàn có diện tích rộng với gần 2.000 hộ dân sinh sống theo hình thức kết hợp nhà ở với sản xuất kinh doanh, có 01 chợ dân sinh, 02 xưởng mộc, hơn 30 cơ sở dịch vụ lưu trú… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Xuất phát từ tình hình trên, Công an thành phố Bạc Liêu đã chỉ đạo Công an Phường 1 xây dựng và ra mắt 02 mô hình gồm “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Mỗi Tổ gồm 10 hộ gia đình liền kề nhau, được trang bị đầy đủ bình chữa cháy cầm tay, lắp đặt hệ thống chuông báo cháy và cài đặt app “Báo cháy 114” trên điện thoại di động cho các thành viên. Qua đó, khi có sự cố cháy nổ xảy ra trên địa bàn, các thành viên mô hình có thể nhanh chóng thông báo cho người dân, đồng thời tiến hành chữa cháy tại chỗ trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Công an thành phố Bạc Liêu chọn địa bàn Khóm 10, Phường 1 để thí điểm xây dựng mô hình
“Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”
Ông Trần Minh Thành, Tổ trưởng “Tổ liên gia an toàn PCCC” Khóm 10, Phường 1, thành phố Bạc Liêu chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng cháy nổ trên cả nước diễn biến hết sức phức tạp, do đó, khi Công an thành phố Bạc Liêu có chủ trương xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCC”, bản thân tôi đã đăng ký tham gia. Các thành viên trong Tổ cũng tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng ngừa cháy nổ trong sản xuất, sinh hoạt”.
Đối với địa bàn ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long với 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 10 cơ sở kinh doanh gas, 16 cơ sở nhà nghỉ, 06 cơ sở karaoke... Công an huyện Phước Long cũng chọn thí điểm xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” gồm 10 hộ gia đình liền kề nhau, mỗi hộ được trang bị bình chữa cháy cầm tay, 01 hệ thống báo cháy được bố trí phù hợp bảo đảm khi ấn nút báo cháy thì hệ thống ở tất cả hộ gia đình trong tổ đều hoạt động. Ở các điểm chợ, các ngỏ hẻm, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… mà xe chữa cháy chuyên dụng không vào được, Công an huyện cũng chỉ đạo xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Mỗi điểm gồm ít nhất 02 bình chữa cháy, 01 hệ thống máy bơm di động và một số dụng cụ chữa cháy tại chỗ.
Lãnh đạo Công an huyện Phước Long trao quyết định thành lập mô hình “Điểm chữa cháy công cộng
” tại địa bàn ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long
Chia sẻ việc xây dựng các mô hình PCCC trên địa bàn huyện Phước Long, Thượng tá Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Công an huyện cho biết: “Tùy vào tình hình thực tế, Công an huyện phước Long sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các xã nhân rộng các mô hình PCCC trên phạm vi toàn huyện. Qua đó, góp phần tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thực tự giác chấp hành các quy định về PCCC cho người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn trong việc triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp, nội dung công tác PCCC của từng hộ gia đình, cơ sở, khu dân cư theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về PCCC”.
Tại các địa bàn có mật độ dân cư đông, Công an các địa phương cũng chỉ đạo thành lập mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, nhằm xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Phương tiện tại chỗ và Vật tư, hậu cần tại chỗ. Có nhiệm vụ đảm bảo an toàn, triển khai ứng cứu kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra. Mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” được triển khai đảm bảo các tiêu chí: Đối với khu dân cư cần có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Đảm bảo giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC đảm bảo số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn; có Đội PCCC dân phòng cơ động đảm bảo về số lượng, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chữa cháy ban đầu để sẵn sàng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm an toàn PCCC
Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh nâng cao ý thức
phòng ngừa cháy nổ trong sinh hoạt, mua bán
Lực lượng Công an các cấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân bằng nhiều biện pháp, cách làm hay, hiệu quả như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về PCCC; phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình; hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app “Báo cháy 114” trên điện thoại di động; tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ như: cửa hàng xăng dầu, khu dân cư, các điểm chợ trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Tăng Ánh Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên kiểm tra thực trạng công tác phòng chống cháy nổ, việc trang bị, vận hành hệ thống báo cháy, dụng cụ chữa cháy… tại các điểm chợ, khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhắc nhở các hộ dân chú ý cách sắp xếp, bố trí hàng hóa ngăn nắp, tạo lối thoát hiểm, hướng dẫn việc trang bị, sử dụng các thiết bị chữa cháy, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, cách dập tắt đám cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra… Đồng thời, yêu cầu 100% chủ hộ kinh doanh khắc phục những tồn tại, sai phạm trong công tác PCCC và cam kết không vi phạm”.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường xuyên thực tập các phương án chữa cháy
tại các khu dân cư, khách sạn, trung tâm thương mại…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn tỉnh, ngoài việc xây dựng các mô hình PCCC phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa bàn cơ sở; đòi hỏi lực lượng Công an các cấp cần tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về PCCC, nhất là đối với các hộ gia đình, khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC.
Công an các địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng công tác xây dựng lực lượng, tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PCCC và CNCH, nhất là đối với các đội PCCC tại chỗ, góp phần kéo giảm và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh./.
Trọng Nguyễn