Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn
Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu
Tại điểm cầu tỉnh Bạc Liêu, tham dự Hội nghị có các đồng chí Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Lê Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành trong tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính nhấn mạnh, PCCC&CHCN là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi: Kinh tế, xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về PCCC&CHCN của mọi người còn hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về PCCC&CHCN còn hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua (2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 héc-ta rừng. Ngoài ra, xảy ra gần 2.800 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy không thuộc diện phải thống kê như chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng.... Về tình hình nổ, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.
Trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra hơn 2.300 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Trong 5 năm triển khai nhiệm vụ CNCH theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã điều động hơn 235.00 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được gần 6.800 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được hơn 3.300 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, qua nắm bắt theo dõi tình hình còn hàng nghìn vụ sự cố, tai nạn nhỏ khác được quần chúng Nhân dân, lực lượng tại chỗ tổ chức thực hiện nhưng không có báo cáo về cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH để tổ chức thống kê.
Tại Bạc Liêu, 5 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ sự cố, tai nạn (trong đó 10 vụ là đuối nước); không thiệt hại nhiều về tài sản. Đến nay, tỉnh đã củng cố được 1.054 đội PCCC cơ sở, dân phòng; xây dựng mới 120 đội PCCC cơ sở; xây dựng 2 mô hình “Cụm nhà máy điện giáo an toàn về PCCC và CHCN”, “Khu dân cư an toàn về PCCC” ... Qua 5 năm triển khai nhiệm vụ CNCH theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, quần chúng Nhân dân về công tác CNCH được nâng lên; tự trang bị các điều kiện đảm bảo an toàn thoát nận, cứu nạn. Hầu hết các cụm dân cư, cơ quan, xí nghiệp đã thành lập đội chữa cháy cơ sở và trang bị được phương tiện, cơ sở vật chất thực hiện công tác CNCH ban đầu, từ đó góp phần hạn chế xảy ra các tình huống, sự cố , tại nạn gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC&CNCH trong thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh quên mình của lực lượng CAND nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC&CNCH, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng nòng cốt PCCC phải quyết liệt, hiệu quả. Phải đặt người dân là trung tâm, chủ thể trong công tác này; đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; an toàn cháy nổ góp phần ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Về mục tiêu, phải đặt ra mục tiêu cao hơn, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy nổ, CNCH.
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn công tác PCCC&CNCH./.
Tú Quyên