Thời gian qua, mặc dù lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Thế nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ án mạng đau lòng đã xảy ra, chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, tức giận nhất thời, không kiềm chế được bản thân mà các đối tượng đã gây nên những hậu quả rất đau lòng.
Hiện trường 01 vụ giết người trên địa bàn huyện Đông Hải
Những sự việc đau lòng
Điển hình là vụ án Giết người xảy ra ngày 23/3/2022 tại ấp Thành Thưởng, xã An Trạch, huyện Đông Hải. Vì cự cãi liên quan đến khoản nợ giữa bị can là đối tượng Phan Hoàng Diệu (sinh năm 1999, ngụ ấp Thành Thưởng, xã An Trạch, huyện Đông Hải) với bị hại là chị D.B.T (ngụ cùng địa phương), sau đó chị D.B.T đã ngăn cản không cho Phan Hoàng Diệu rời đi và yêu cầu phải trả nợ. Với bản chất côn đồ cộng với việc trước đó đã sử dụng rượu, bia mà Phan Hoàng Diệu đã cầm dao tự chế đâm một nhát vào ngực trái dẫn đến hậu quả làm cho chị D.B.T tử vong.
Hay mới đây nhất, vào khoảng 20 giờ ngày 01/8, khi đang ngồi nhậu cùng nhóm bạn, Nguyễn Trí Thức (sinh năm 2005, ngụ ấp Phước Thạnh 2, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) và Võ Hoàng Thái (sinh năm 2003, ngụ khóm 1, Phường 8, thành phố Bạc Liêu) thấy có 2 thanh niên điều khiển xe môtô chạy ngang qua lại 02 lần nhìn vào nhóm Thức đang nhậu. Nghĩ rằng 2 thanh niên này “nhìn đểu” nên Nguyễn Trí Thức chở theo Võ Hoàng Thái, mang theo dao tự chế và rượt theo hai thanh niên kia. Khi thấy hai thanh niên lạ mặt đang ngồi trong quán cà phê cách đó không xa, Thái đã xông vào chém nhiều nhát khiến một người bất tỉnh tại chỗ, người còn lại hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi quán. Không dừng lại ở đó, nhóm của Thái tiếp tục dùng xe máy rượt theo chém nhiều nhát khiến người kia cũng gục ngã.
Theo đánh giá của cơ quan Công an, nguyên nhân chủ yếu của các vụ án Giết người xuất phát từ các nguyên nhân xã hội, những mâu thuẫn nhỏ nhất thời, tâm lý bộc phát, cùng với đó là bản tính hung hăn, côn đồ của các đối tượng, thích sử dụng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn.
Bản án dành cho những kẻ Giết người
Giết người là hành vi vi phạm pháp luật, là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. Điều 123
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức…
Mới đây, ngày 02/8/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Giết người, Che dấu tội phạm, Không tố giác tội phạm, xảy ra trên địa bàn huyện Hòa Bình vào ngày 12/10/2021. 01 án tù chung thân dành cho bị cáo chủ mưu Trần Vũ Linh, 16 bị cáo còn lại nhận mức án từ 6 tháng đến 18 năm tù về vai trò, hành vi của mình trong vụ án. Đây được xem là bản án thích đáng cho các đối tượng xem thường pháp luật, cũng là bài học cảnh tĩnh cho mọi người dân về việc giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày.
Lực lượng Công an tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân
Chủ động giải quyết các mâu thuẫn
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng thì ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội thì cần sự chung tay của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là những văn bản như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật dân sự, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hòa giải ở cơ sở,…Tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình, khu dân cư, xóm, ấp.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật, lấy đạo đức, văn hóa ứng xử lịch thiệp và tính mạng con người là trên hết, kiên quyết không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Cần trang bị kỹ năng sống, cần bình tĩnh, kiềm chế khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống và hãy tìm cách giải quyết thỏa đáng, để tránh những hậu quả đáng tiếc, đau lòng xảy ra, từ đó đóng góp tích cực vào việc giữ gìn ANTT tại địa phương, vì cuộc sống yên bình của mỗi chúng ta./.
Hải Linh