Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021. Đây là một luật quan trọng được Nhân dân đặc biệt quan tâm với rất nhiều điểm mới liên quan đến đăng ký thường trú, tạm trú. Để công dân hiểu rõ và thực hiện những quy định trong Luật Cư trú, Công an tỉnh Bạc Liêu thông tin một số điểm mới cần lưu ý:
Thay thế quản lý từ sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin
Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi cư trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như quy định trước đây.
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị tập huấn Luật Cư trú năm 2020
đến Công an các đơn vị, địa phương
Khi nào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực?
Trường hợp công dân đã được cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trước ngày 01/7/2021 thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Đặc biệt, nếu thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Như vậy, từ ngày 01/01/2023, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ không còn được sử dụng nữa.
Từ ngày 01/01/2023, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ không còn được sử dụng nữa
Bỏ quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại Sổ hộ khẩu
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi Sổ hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu. Đồng thời, quy định thủ tục đăng ký thường trú như sau: (1) Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú; (2) Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian tối đa là 7 ngày.
Bỏ quy định riêng về đăng ký thường trú
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo đó, người dân chỉ cần có 01 trong các điều kiện theo quy định mới của Điều 20 Luật cư trú về đăng ký thường trú, cụ thể:
(1) Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
(2) Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý trong các trường hợp mối quan hệ trong gia đình: vợ/chồng về ở với nhau; cha/mẹ về ở với con; người cao tuổi về ở với anh/chị/em/cháu ruột; người khuyết tật/người không có khả năng lao động/người bị tâm thần hoặc bệnh khác… về ở với ông, bà nội/ ngoại…; người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với ruột thịt (cụ nội, cụ ngoại, ông nội, ông ngoại…); người chưa thành niên về ở với người giám hộ thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình.
(3) Khi được chủ hộ, chủ sở hữu tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú nhưng bảo đảm điều kiện về diện tích tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2/sàn/người (quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 20). Trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú. Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; Hợp đồng cho thuê, cho mượn, hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực...
Công an xã, phường, thị trấn được giao thẩm quyền giải quyết thường trú, tạm trú cho công dân
Sinh sống tại nơi ở hợp pháp từ 30 ngày phải đăng ký tạm trú
Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
Các trường hợp không được đăng ký thường trú mới
Nội dung này được quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020. Cụ thể gồm:
- Nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng - an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống...
- Toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng. Đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết. Là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.
Những trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú
Từ ngày 01/7/2021, bổ sung thêm nhiều trường hợp công dân bị hạn chế quyền cư trú như:
- Người bị cách ly do nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
- Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
- Địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
- Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam…
Những trường hợp sẽ bị xóa đăng ký thường trú
Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú, cụ thể:
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (điểm d, khoản 1, Điều 24).
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (điểm đ, khoản 1, Điều 24).
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ mới.
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu, chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (điểm h, khoản 1, Điều 24).
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật (điểm i, khoản 1, Điều 24);
Việc xóa đăng ký thường trú nêu trên chỉ xóa thông tin về nơi đăng ký thường trú đang được đăng ký của công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa; trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở mới sẽ không phải thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú như hiện nay mà chỉ cần thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký cư trú ở nơi cư trú mới.
Quản lý đối với trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú
Công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú và cũng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú gồm người di cư, sống lang thang không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không được chủ hộ đồng ý cho đăng ký thường trú, tạm trú… thì phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến khích mọi công dân nên nghiên cứu, nắm vững những điểm mới của Luật Cư trú năm 2020 để thực thi đúng quy định. Qua đó, không chỉ rút gọn thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT; tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới./.
Trọng Nguyễn