Hội nghị trực tuyến tập huấn Luật cư trú năm 2020
Cập nhật ngày: 30-06-2021
 
Sáng ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội nghị.
 
Tại điểm cầu Công an tỉnh, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.
 
 
Quang cảnh hội nghị
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Cư trú năm 2020 cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị và đại biểu tại các điểm cầu Công an đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu nội dung tập huấn. Đồng thời, tổ chức quán triệt Luật Cư trú cho cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương cũng như tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác đăng ký quản lý cư trú. Biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh đó, tăng cường quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Luật Cư trú trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Theo đó, ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, bao gồm 38 điều, chia thành 07 chương với nội dung cơ bản, điểm mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006. Cụ thể như sau: Chương I – Những quy định chung (gồm 7 Điều); Chương II – Quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú (gồm 3 Điều, từ Điều 8 đến Điều 10); Chương III – Nơi cư trú (gồm 9 Điều, từ Điều 11 đến Điều 19); Chương IV – Đăng ký thường trú (gồm 7 Điều, từ Điều 20 đến Điều 26); Chương V – Đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng (gồm 5 Điều, từ Điều 27 đến Điều 31); Chương VI – Trách nhiệm quản lý cư trú (gồm 5 Điều, từ Điều 32 đến Điều 36); và Chương VII – Điều khoản thi hành (gồm 2 Điều). Đây là đạo luật quan trọng nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư. Góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú và đổi mới phương thức quản lý cư trú. Đồng thời đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng phân tích, thảo luận, giải đáp thắc mắc về các điểm mới được quy định trong Luật Cư trú năm 2020 cũng như tìm hiểu một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật Cư trú năm 2020. Qua đó đều bày tỏ quan điểm thống nhất cao đối với đạo luật mới sẽ giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký cư trú, xây dựng Cơ sở dữ liệu về cư trú đáp ứng yêu cầu quản lý cư trú, phục vụ công tác quản lý cư trú, yêu cầu nghiệp vụ. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong hệ thống pháp luật quy định về các loại giấy tờ của công dân, góp phần bảo đảm tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước./.
 
Phương Thảo