Lợi ích của việc sử dụng thẻ căn cước công dân
Cập nhật ngày: 27-11-2020
 
Trước nhu cầu hội nhập, phát triển, đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Bộ Công an đã xây dựng các dự án như: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là những dự án quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
 
Trong đó, dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là dự án đang được người dân đặc biệt quan tâm. Thẻ căn cước công dân gắn chíp là xu thế nhiều nước trên thế giới áp dụng vì tính tiện dụng, cũng như tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch dịch vụ trực tuyến. Hiện nay, đã có 70 nước trên thế giới sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp.


Lực lượng Công an đang chuẩn bị các bước cấp thẻ căn cước công dân (ảnh: Phương Thảo)
 
Việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp sẽ mang lại một số tiện ích như: Thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Đáng chú ý, khi thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch.

Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên căn cước công dân đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an. Dữ liệu trên chíp có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử đảm bảo quyền tự do cá nhân cho công dân. Việc gắn chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân với mục đích thuận lợi trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới nền Chính phủ số, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là xu thế tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay.

Chíp được gắn trên thẻ căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ căn cước công dân với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chíp gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.
Chíp sử dụng trên thẻ Căn cước công dân tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính./.
 
                                                                             Bích Ân