Quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Cơ quan chủ trì đã bám sát 03 chính sách được Chính phủ thông qua. Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, cụ thể như sau:
Ảnh: Bắt giữ các đối tượng có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
và tàng trữ vũ khí trái phép
1. Chương I - Các quy định chung
Gồm có 5 Điều, từ Điều 1 đến Điều 5. Dự thảo Luật đã kế thừa và bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:
a) Phạm vi áp dụng
Mở rộng thêm phạm vi áp dụng của Luật so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, cụ thể: Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
b) Bổ sung đối tượng áp dụng của luật
Bổ sung Điều luật quy định đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy (Điều 2).
c) Giải thích từ ngữ
- Tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được qui định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh.
- Bổ sung khái niệm: người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.
- Bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy. Việc bổ sung khái niệm này giúp nhận thức đầy đủ về công tác cai nghiện ma túy.
- Bổ sung khái niệm thuốc tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Đây là loại thuốc cần đưa vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này.
d) Về chính sách phòng, chống ma túy
Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể: Kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các cơ quan thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
2. Chương II - Trách nhiệm phòng, chống ma túy
Gồm có 7 Điều, từ Điều 6 đến Điều 12. Dự thảo đã kế thừa các quy định cũ và sửa đổi, bổ sung các nội dung, cụ thể như sau:
a) Trách nhiệm của cá nhân, gia đình
Việc quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm: “Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác” không khả thi, rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.
b) Trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy
- Bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn: “Phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để trao đổi thông tin tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia”.
- Mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của Luật hiện hành. Việc bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan.
3. Chương III - Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Gồm có 10 Điều, từ Điều 13 đến Điều 22. Về cơ bản nội dung được kế thừa như quy định cũ, trong đó có nội dung được bổ sung như sau:
- Bổ sung thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cần được kiểm soát, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp.
- Bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập là những hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải kiểm soát.
- Đối với các hoạt động quản lý nhà nước về tiền chất đã được quy định cụ thể và thực hiện theo pháp luật về Dược, pháp luật về Hóa chất, vì vậy không quy định cụ thể trong luật này.
4. Chương IV - Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Gồm có 5 Điều. Đây là chương được quy định mới trong luật. Xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này. Qua khảo sát thực tiễn, dự thảo luật đã xây dựng các quy định nhằm quản lý tốt người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện. Các nội dung cụ thể như sau:
a) Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy
- Người bị coi là người sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy, việc sử dụng chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện.
- Cơ quan Y tế và Công an có thẩm quyền xét nghiệm.
- Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ.
b) Chính sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao Công an cấp xã chủ trì phối hợp cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức phân công cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp phối hợp với gia đình giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy.
- Quy định rõ trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy; gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Nhà nước đảm bảo kinh phí cho xét nghiệm và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.
- Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy: 01 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; 06 tháng đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.
c) Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy
- Quy định Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quản lý.
- Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện việc thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
5. Chương V - Cai nghiện ma túy
Gồm có 20 Điều, từ Điều 28 đến Điều 47. Nội dung của Chương V được sửa đổi cơ bản và toàn diện, khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện hiệu có hiệu quả, cụ thể như sau:
- Quy định về xác định tình trạng nghiện, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện. Đây là quy định nhằm giúp phân biệt người nghiện với người sử dụng để có cách ứng xử phù hợp.
- Về chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở công lập; hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện. Có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để góp phần bảo vệ cho cán bộ, đồng thời có cơ sở để xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong các cơ sở cai nghiện công lập, không để xảy ra tình trạng gây rối, bỏ trốn tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đối với người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Quy định về hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân được tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở có bố trí các khu riêng phù hợp với từng đối tượng và để đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện.
- Sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Theo đó, việc tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy; niêm yết công khai giá dịch vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Việc đổi mới công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo mô hình này không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới và ngân sách nhà nước. Giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý.
- Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân theo hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện giữa các cơ sở đối với người nghiện. Thời gian cai nghiện thực hiện theo thỏa thuận giữa người nghiện, gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện, nhưng thời gian tối thiểu là 6 tháng.
- Quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do Tòa án nhân dâp cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Cơ sở cai nghiện đảm bảo quyền được học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Có chế độ cai nghiện riêng, phù hợp và đảm bảo quyền trẻ em cho độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Theo đó tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có kết quả xác định là nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
- Không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, vì thực tế biện pháp này không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả. Những năm gần đây, nhiều địa phương không triển khai thực hiện được hoặc thực hiện mang tính hình thức.
- Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Bổ sung quy định về công tác thống kê người nghiện ma túy cho các Bộ, ngành, trong đó Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện. Đảm bảo công tác thống kê người nghiện được chính xác, kịp thời.
6. Chương VI - Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
Gồm 13 Điều, từ Điều 48 đến Điều 60. Về cơ bản nội dung chương này kế thừa các quy định cũ; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các Bộ cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong luật. Cụ thể như sau:
- Bổ sung trách nhiệm cho Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy. Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển. Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi.
- Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, theo đó:
+ Bộ Thông tin và truyền thông có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống ma túy.
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chỉ đạo, trực tiếp tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, dịch vụ, thể thao và du lịch không để sơ hở làm phát sinh tệ nạn ma túy.
Quy định cụ thể như trên để nâng cao trách nhiệm của từng Bộ, đồng thời phù hợp với chức năng của các Bộ.
7. Chương VII - Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
Gồm 7 Điều, từ Điều 61 đến Điều 67. Các quy định về Hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy được kế thừa quy định cũ. Đây là quy định mang tính nguyên tắc, chính sách. Trong đó có quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
8. Chương VIII - Điều khoản thi hành
Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong luật.
Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới./.
Hồng Thúy - phòng Tham mưu Công an tỉnh