Ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Cập nhật ngày: 16-10-2020
 
Ngày 24/6/2020, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ phối hợp, xây dựng lực lượng, bồi dưỡng, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo luật ra đời sẽ kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
 
Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách (gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở), được thành lập tại địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là địa bàn cơ sở). Lực lượng này được hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận.  
 
Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và trong điều kiện nước ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như Luật Công an nhân dân năm 2018 về xây dựng 04 cấp Công an nhân dân bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Vì vậy, việc đề nghị xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết với những lý do sau đây:
 
Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; cụ thể tại các văn bản như Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đề ra yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, chế độ, chính sách để tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, nhất là Công an xã, bảo vệ dân phố đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về khoán kinh phí chi trả phụ cấp để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đề ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
 
Hai là, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy. Đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí Công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với hơn 30 ngàn Công an xã chính quy. Điều này làm phát sinh thực tế là có 126.084 Công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã được thay thế bằng Công an xã chính quy do sĩ quan, hạ sĩ quan Công an đảm nhiệm; do đó, phải bố trí cho các chức danh Công an xã bán chuyên trách này được tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã nơi bố trí Công an xã chính quy.
 
 
Ảnh: Đại tá Nguyễn Văn Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen
của Giám đốc Công an tỉnh cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách
 
Ba là, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Vì vậy, xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
 
Bốn là, sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện nay, việc bố trí các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là không thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn. Do đó, dự thảo Luật đã quy định theo hướng sắp xếp thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn.
 

 Ảnh: Cán bộ Công an xã chính quy cùng các lực lượng vận động
nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở
 
Năm là, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới, khu vực liên quan đến an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, không để tích tụ trở thành điểm nóng; qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
 
Sáu là, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nhiều hình thức khác nhau và do nhiều cơ quan ban hành, từ đó dẫn đến không đồng bộ, mâu thuẫn, chồng lấn. Do đó, sự cần thiết phải pháp điển hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào 01 đạo luật chung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở trong tình hình mới./.

 
 
Văn Triều -phòng Tham mưu Công an tỉnh