CÔNG AN BẠC LIÊU
Cảnh báo tội phạm sử dụng tiền giả vào dịp Tết Nguyên đán
Cập nhật ngày: 9-01-2019, lượt xem: 23
Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm tiền giả ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội và an ninh tiền tệ. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán là thời điểm người dân có nhu cầu mua, bán, giao dịch thương mại tăng cao, đây cũng là thời cơ thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiêu thụ tiền giả, điều này đã gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ tiền giả là: Dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật; sử dụng xen lẫn tiền giả với tiền thật để mua hàng hóa; các đối tượng thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già… ở vùng nông thôn nơi người dân ít có thông tin về tiền giả; trước khi mua hàng đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả.
         
Theo thống kê, trong năm 2018 lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá hơn 22 vụ, bắt hơn 38 đối tượng, thu giữ trên 2 tỷ tiền Việt Nam giả. Riêng tỉnh Bạc Liêu trong năm 2018 có hơn 160 trường hợp người dân đến nộp tiền tại các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước bị phát hiện là tiền Việt Nam giả với tổng số tiền trên 34 triệu đồng.

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này như: Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tiền giả; tập trung trao đổi thông tin, phối hợp với các ngân hàng, kho bạc, các phòng, điểm giao dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách nhận biết tiền thật, tiền giả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đề cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm tiền giả tới mọi người dân.

Tuy nhiên, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự quyết tâm của lực lượng Công an thì mọi người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện mua, bán hoặc các giao dịch thương mại nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tránh để các đối tượng lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác hoạt động phạm tội; nhất là nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam thật, giả như sau:

Cách 1: Soi trước nguồn ánh sáng: “hình bóng chìm” của tiền giả không tinh xảo, đường nét mờ nhạt không tự nhiên; “dây bảo hiểm” của tiền giả mờ nhòe khó nhìn hoặc không có dây bảo hiểm; “hình định vị” của tiền giả kích thước và hình ảnh trên 2 mặt tờ tiền lệch nhau, không tạo ra các khe trắng đều nhau.

Cách 2: Kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên tờ tiền: “nét in nổi” đối với tiền giả 02 mặt tờ bạc trơn lì không nhám ráp hoặc có cảm giác gợn gai tay, chất liệu tờ bạc giòn, không có độ giai, khi vò không có độ đanh, mực dễ bong tróc, có độ bóng hơn tiền thật.

Cách 3: Chao nghiêng tờ bạc: “Mực đổi màu” tiền giả khi chao nghiêng không đổi màu hoặc có đổi màu nhưng không giống tiền thật; “hình ẩn nổi” tiền giả không có hoặc có nhưng rất mờ khó nhìn thấy

Cách 4: kiểm tra các cửa sổ: cửa sổ có số tiền dập nổi, tiền giả không có hoặc có nhưng số mệnh giá thô, mờ, không sắc nét; cửa sổ có hình ẩn, tiền giả khi soi không thấy hình ẩn xung quanh ngọn đèn….

Căn cứ Điều 207 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.
 
                                                                                                Bích Ân
Các tin khác