Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia phát biểu tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019
Sáng ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nhị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia phát biểu như sau:
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội trường Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội của 3 năm 2016 – 2018, cũng như trong năm 2018. Đặc biệt tại kỳ họp này, lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo riêng đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Báo cáo đã đánh giá khái quát khá toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, không né tránh yếu kém và những hạn chế, bất cập trong chỉ đạo, quản lý điều hành.
Trong đó, rất ấn tượng với nhiều con số trong báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội: Như 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt chỉ số tăng trưởng kinh tế 6,98% vượt chỉ tiêu quốc hội đề ra, hiệu quả đầu tư chỉ số ICOR giai đoạn 2016-2018, là 6,32% mặc dù còn cao so với các nước trong khu vực, nhưng thấp hơn giai đoạn trước, cơ cấu nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững hơn, nếu trước đây tập trung nhiều vào dầu thô, thì hiện nay thu nội địa chiếm gần 82% trong tổng thu cân đối ngân sách, bội chi nợ công, nợ chính phủ giảm…
Đại biểu cho rằng, kết quả này đáng trân trọng, trong điều kiện tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, Chính phủ vừa tập trung thúc đẩy cho tăng trưởng, vừa phải khắc phục những yếu kém của nền kinh tế như nợ xấu, nợ công, lạm phát, ô nhiễm môi trường… nhưng các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ điều đạt cao hơn so với cùng kỳ, các chỉ tiêu điều đạt và vượt... Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ, Ngành và cả hệ thống chính trị.
Tại buổi thảo luận, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng cần phải có một số vấn đề cụ thể như sau:
-Thứ nhất: Về thực hiện chính sách pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện chính sách pháp luật, quan tâm đầu tư đối với đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, cũng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tình hình kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc so với trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn không ít chính sách thực hiện hiệu quả chưa cao, chưa tách bạch và nêu rõ kết quả thực hiện chính sách đối với đồng bào ở một số lĩnh vực quan trọng: như việc kết quả giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt, giao đất, giao rừng còn chậm… đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đây phần lớn là vùng có năm nhất so với mặt bằng chung của cả nước, như trong báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc cũng đề cập: Khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất
Nhưng hạn chế này có nhiều nguyên nhân. Theo tôi một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cần được quan tâm xem xét, đó là:
Việc cân đối, bố trí nguồn lực, cho vùng dân tộc miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn. Trong khi đó, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Mặc dù, tổng số đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước, nhưng tổng số hộ nghèo, chiếm đến 52,7%, nhiều nơi giảm nghèo theo phong trào, chạy theo thành tích, nên thiếu tính bền vững, tỉ lệ tái nghèo rất phổ biến. Hiện nay, còn nhiều quyết định về chính sách cơ bản hỗ trợ cho đồng bào đã được thủ tướng phê duyệt ban hành từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện, chỉ tính riêng quyết định 2085 theo tổng hợp của các địa phương còn hàng trăm hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt và vay vốn tính dụng chưa được giải quyết cụ thể:
- Cần hỗ trợ đất sản xuất 79.065 hộ.
- Thiếu đất sản xuất, cần được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 221.941 hộ.
- Nước sinh hoạt phân tán 343.511 hộ.
- Nhu cầu vốn vay tín dụng 397.262 hộ….
Đồng bào rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù này, để đồng bào sớm có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Đáng lưu ý, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, trong khi các chính sách dân tộc, trong đó có cả chính sách mang tính đăc thù được duyệt sau thời điểm kế hoạch trung hạn được thông qua, nên không được đưa vào kế hoạch trung hạn. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai thực hiện chính sách đối với đồng bào.
Mặt khác, trong khi nguồn lực hạn hẹp như vậy, nhưng việc thực hiện chính cho đồng bào lại dàn trãi, nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, không phân rõ trách nhiệm, nên không tránh khỏi sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng và phạm vi thực hiện, hiệu quả kém.
Từ những phân tích trên, tôi thống nhất với kiến nghị của Hội đồng dân dân tộc, Quốc hội cần ban hành nghị quyết về chính sách dân tộc như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể. Định hướng lâu dài cho phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới. Trên cơ sở tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, phân công trách nhiệm rõ ràng. Đặc biệt, ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện, nhất là những chính sách đặc thù dành cho đồng bào.
-Vấn đề thứ hai: Về ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long:
Đây là vấn đề lớn, được nhiều vị đại biểu quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm, kiến nghị trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, có nhiều giải pháp phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu long. Nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Hiện nay, tình trạng sạt lỡ bờ sông, ven biển vùng đồng bằng Sông Cửu long còn nghiêm trọng, đang trông đợi chính phủ có hành động quyết liệt hơn để kịp thời giải ngân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Để thực hiện vấn đề này cũng cần phải có nguồn lực, đại biểu đồng tình cao với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần bố trí thêm 10.000 tỷ đồng từ nguồn còn lại của dự án quan trong quốc gia chưa sử dụng cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của đồng bằng Sông Cửu long để xử lý bờ sạt lỡ bờ sông, bờ biển và khắc phục hậu quả thiển tai của cả nước.
-Vấn đề thứ ba: Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp
Đối với Bạc Liêu, sau khi được Thủ tướng thống nhất phê duyệt đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Nhờ được sự hỗ trợ giúp đỡ của bộ, ngành trung ương, tỉnh đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản… Đủ điều kiện để triển khai, đã có hơn 20 doanh nghiệp, các trường, các viện nghiên cứu đăng ký đầu tư chuyển giao công nghệ, tham gia hầu hết các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành tôm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đang gặp một số khó khăn liên quan đến nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, đầu tư hệ thống lưới điện và cơ chế đặc thù về vay vốn phục vụ phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhất là cho vay đối với đối tượng là Hợp tác xã và nông hộ. Bạc Liêu rất mong Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên; đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho Bạc Liêu đầu tư xây dựng hoàn thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Nếu những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời thì trong thời gian tới, con tôm Bạc Liêu chắc chắn sẽ có vị trí quan trọng trong bản đồ ngành tôm, trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và có những đóng góp xứng đáng trong việc thực hiện mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trước năm 2025./.
Nguồn: Quốc hội