Hội nghị trực tuyến Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Sáng ngày 21/9, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến “Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu Bạc Liêu, Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại Bạc Liêu còn có đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, các sở, ngành của tỉnh Bạc Liêu và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điềm cầu Bạc Liêu (Ảnh: Hải Âu)
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông qua báo cáo 5 năm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên cả nước và sơ kết Công điện số 01/2018/CĐ-BCA-V11 ngày 10/4/2018 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, trong 5 năm (2013 – 2017), lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cả nước đã tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả 9.727 vụ, cứu nạn, cứu hộ 6.857 vụ, trực tiếp cứu được 2.262 người. Để đạt được kết quả đó, Bộ Công an đã thực hiện nhiều biện pháp, phương pháp đem lại hiệu quả tích cực như: trực tiếp tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành luật, nghị định, thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân tích cực chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã chủ động tham mưu các cấp, các ngành địa phương quan tâm, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phát huy được vai trò tích cực của lực lượng PCCC tại chỗ trong công tác phòng ngừa và triển khai chữa cháy ngay từ lúc mới phát sinh.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tiến hành thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với 45.363 dự án, nghiệm thu 25.262 công trình, tổ chức diễn tập 17.592 phương án PCCC và CNCH; tổ chức 1.435.851 lượt thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực PCCC. Qua đó, xử phạt 84.353 trường hợp với tổng số tiền hơn 169,7 tỷ đồng, đình chỉ 219 trường hợp, tạm đình chỉ 447 trường hợp vi phạm; điều tra làm rõ nguyên nhân 10.914 vụ cháy (chiếm 73,4% tổng số vụ), tiến hành truy tố, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nhiều trường hợp cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu (Ảnh: Hải Âu)
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp liên quan đến công tác PCCC và CNCH như: Công tác cứu nạn, cứu hộ lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; giải pháp xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành quy định về PCCC; những khó khăn, bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với các nhà cao tầng và siêu cao tầng; giải pháp đảm bảo an toàn sử dụng điện tại các khu dân cư …
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH trong thời gian qua như: Việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trong công tác PCCC còn chưa tích cực, hiệu quả; chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, không đủ tính răn đe; công tác quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH chưa được trang bị đầy đủ…
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực PCCC và CNCH; triển khai các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và CNCH; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát PCCC theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác PCCC và CNCH theo Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, PCCC, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 – 2020; đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH; xử lý nghiêm, “không vùng cấm” đối với những trường hợp vi phạm PCCC, nhất là các loại hình nhà cao tầng, chung cư… góp phần làm dừng, giảm số vụ cháy, nổ trên phạm vi cả nước, đảm bảo an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Trọng Nguyễn