Một số biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình kết hợp kinh doanh
Cập nhật ngày: 14-07-2018
 
Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước thì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở hộ gia đình cũng phát triển cả về số lượng và quy mô. Từ một diện tích rất nhỏ, có nơi chỉ vài m2, nhưng người dân có thể tận dụng làm nơi chứa hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và là nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình, nhưng việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy hầu như chưa được quan tâm thực hiện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
 


Vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại Phường 7, thành phố Bạc Liêu
 
Thời gian qua tình hình cháy, nổ ở khu vực nhà dân mà cụ thể là ở các hộ gia đình có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân. Từ đó cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn PCCC, kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các hộ gia đình, nhất là các gia đình hoạt động kinh doanh:
- Hiện nay hầu hết các hộ gia đình mặt phố xây dựng theo kiểu nhà ống, bao quanh không có lối thoát nạn đảm bảo, đôi khi có lối thoát nạn nhưng đã tận dụng để hàng hóa, vật dụng dẫn đến không còn khả năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra. Vì vậy cần phải có các lối thoát nạn đảm bảo an toàn về chiều rộng và đặc biệt là việc bố trí hàng hóa các vật dụng dễ cháy phải đảm bảo an toàn thoát nạn cho người khi có cháy nổ xảy ra tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ.
- Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong gia đình gắn liền với việc sử dụng các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện vì vậy nên lưu ý:
+ Nên đặt áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Nên đặt cầu chì trước từng ổ cắm điện, dây chảy cầu chì và phù hợp với công suất sử dụng. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chì bị hỏng. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại và ngắt điện đối với các thiết bị điện không sử dụng.
+ Lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nilon … để bao che bóng điện. Không treo bóng đèn sát vách ngăn, trần làm bằng vật liệu dễ cháy.
+ Khi lắp đặt các thiết bi tiêu thụ điện cần chú ý tới công suất tiêu thụ của các thiết bị tiêu thụ điện này đảm bảo khả năng chịu tải của dây dẫn và các thiết bị bảo vệ khác
+ Khi xảy ra cháy do sự cố điện, nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo mọi người xung quanh biết và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. Nên sử dụng các bình khí (CO2, N­2 … ), bình bột chữa cháy điện.
- Việc sinh hoạt trong gia đình có sử dụng các loại bếp đun nấu mà phổ biến hiện nay là bếp gas, một số lưu ý khi sử dụng bếp gas:
+ Thường xuyên kiểm tra xem khí gas bị rò rỉ không, có thể phát hiện bằng cách: Đối với cụm van cũng như ống dẫn khí có thể phát hiện bằng âm thanh, mùi đặc trưng của khí giống hơi xăng, hoặc hiện tượng tạo sương tuyết xung quanh điểm rò rỉ (ở cụm van). Dùng giẻ ướt, có tẩm nước xà phòng lau nhẹ chỗ rò rỉ sẽ xuất hiện bong bóng nhỏ là dễ phát hiện nhất.
+ Khi phát hiện khí gas bị rò rỉ cần nhanh chóng tiến hành các công việc sau: lập tức tắt lửa bếp, khóa van chính ở bình chứa, mở các cửa để khí gas thoát ra ngoài. Tuyệt đối không dùng quạt điện, vật dụng bằng điện ở gia đình để thông gió, không bật các công tắc, cầu dao điện đề phòng phát sinh tia lửa điện có thể gây cháy nổ. Có thể xử lý tức thì ban đầu bằng cách lấy giẻ ướt hoặc dây cao su quấn chặt lại. Sau khi xử lý rò rỉ xong cần mang đến nơi bảo hành để sửa chữa thay thế.
- Việc thắp nhang thờ cúng trong các hộ gia đình cũng rất phức tạp bố trí ở nhiều vị trí khác nhau rất khó trong việc quản lý nguồn lửa nguồn nhiệt vì vậy nên bố trí các nơi thờ cúng ở những nơi dễ thấy, dễ quản lý đồng thời nếu có thể nên hạn chế về số lượng hoặc không nên bố trí. Không lập bàn thờ cúng và đun nấu trong khu vực kinh doanh.
- Nên sắp xếp xen kẽ các lô hàng hóa, vật tư dễ cháy với những lô hàng khó hoặc không cháy, đồng thời không để hàng hóa gần với nguồn nhiệt, nguồn lửa (bóng đàn, bàn là, bếp..). Đồng thời không tập trung số lượng hàng hóa lớn tại khu vực kinh doanh nên có kho chứa riêng biệt độc lập với khu vực kinh doanh.
- Mỗi gia đình cần có những phương tiện chữa cháy như là bình chữa cháy xách tay, một lượng nước dự trữ sẵn như xô, chậu, bể chứa nước, thậm chí ở ngay mỗi bồn tắm cần đổ đầy nước để khi có cháy có thể nhanh chóng sử dụng để chữa cháy. Những phương tiện chữa cháy này cần phải được thường xuyên kiểm tra đảm bảo về chất lượng khả năng sử dụng.
- Khi có cháy nổ và các sự cố tai nạn cần gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại “114”
Gia đình là “tế bào” của xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với sự biến đổi sâu sắc của gia đình, đều chịu sự kìm hãm hay thúc đẩy tiến bộ của gia đình. Vì vậy sự an toàn của mỗi gia đình là cơ sở đảm bảo cho xã hội phát triển bền vững. Đảm bảo an toàn PCCC ngay trong mỗi gia đình chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội./.    
Minh Hải