CÔNG AN BẠC LIÊU
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp ý kiến về Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Cập nhật ngày: 14-06-2018, lượt xem: 32
Sáng nay 14/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Tấn Tới – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã đóng góp một số ý kiến về Luật Công an nhân dân (sửa đổi):

 
1. Đại biểu Lê Tấn Tới bày tỏ quan điểm thống nhất với quy đinh tại điều 18 về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân gồm 4 cấp: Trong đó, Công an xã, thị trấn được bố trí chính quy, vì tội phạm và vụ việc về ANTT dù ở cấp độ nào cũng đều xảy ra ở một địa bàn nhất định, ở đó là khóm, ấp và khu dân cư, do đó việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật cũng như những nguyên nhân làm phát sinh các vụ, việc có liên quan ngay tại địa bàn cơ sở để ngăn chặn, giải quyết kịp thời là cực kỳ quan trọng. Công an xã giữ vị trí vai trò rất quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT; từ công tác quản lý hộ khẩu, quản lý tạm trú, tạm vắng, nắm hộ, nắm người đến công tác tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ ban đầu, bảo vệ hiện trường, truy bắt nóng người phạm tội quả tang, tạm giữ người theo thủ tục hành chính và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… là những mặt công tác quan trọng mà Công an xã trực tiếp thực hiện. Qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh Công an xã cho thấy những thành tích đạt được của lực lượng Công an xã là rất lớn, song cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; trong nhiều nguyên nhân tồn tại thì có nguyên nhân từ lực lượng thiếu, yếu và các chính sách đãi ngộ. Đồng thời, qua 7 năm thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy ở các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT và Công an thị trấn thực hiện chức năng như Công an phường của Bộ Công an; trên cơ sở tổng kết từ cơ sở, Bộ Công an đã đánh giá những kết quả đạt được, qua đó đã khắc phục rõ nét những tồn tại, hạn chế của việc bố trí Công an xã bán chuyên trách ở những xã, thị trấn đã thực hiện. Việc bố trí Công an xã, thị trấn chính quy không làm tăng thêm biên chế lực lượng… Từ đó, cho thấy dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi, quy định Công an xã, thị trấn bố trí chính quy vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế.

2. Về cấp hàm cao nhất của Giám đốc Công an tỉnh quy đinh tại điểm d, khoản 1, đại biểu Lê Tấn Tới bày tỏ sự ủng hộ quan điểm thứ 2 trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh đó là tất cả Giám đốc Công an tỉnh điều có quân hàm cao nhất là thiếu tướng, vì các lý do: Theo Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy đnh về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì cả nước có 11 địa phương được phân loại I, đồng nghĩa với việc sẽ có 11 Giám đốc Công an địa phương được phong hàm cấp tướng theo quy định của dự thảo luật, tuy nhiên trong các tiêu chí quy định của Nghị quyết như dân số, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, dân tộc, biên giới... thì không có căn cứ vào tình hình ANTT. Thực tế cho thấy các tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn đơn vị hành chính loại I đa số là tình hình ANTT diễn biến phức tạp nhưng không có nghĩa là phức tạp hơn các tỉnh, thành phố còn lại... Tỉnh, thành phố nào cũng có những địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu, phức tạp về ANTT, do đó công tác phòng ngừa, yên dân luôn là quan trọng nhất.  Nghị quyết số 22 năm 2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy Công an, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có nêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh, phòng chống tội phạm của Bộ Công an; cụ thể chủ trương này, Bộ Công an bố trí lực lượng theo hướng Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở, theo cách bố trí này thì 85% quân số sẽ được bố trí ở Công an địa phương... Theo quy đinh của dự thảo luật thì chức danh Cục trưởng và Giám đốc Công an cấp tỉnh là cấp ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn, điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Công an vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai luật, ngược lại Giám đốc Công an tỉnh mà luân chuyển làm Cục trưởng thì bất hợp lý ở chổ từ Đại tá lên ngay Trung tướng cả 2 trường hợp này đều không ổn. Từ phân tích này, đại biểu Lê Tấn Tới đề nghị sửa điểm d điều 26 theo hướng Giám đốc Công an cấp tỉnh được phong hàm cao nhất là thiếu tướng, điều này không làm tăng số lượng cấp tướng trong CAND sau khi thực hiện Luật.

3. Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc quy định tại khoản 2 điều 27, đại biểu Lê Tấn Tới bày tỏ quan điểm thống nhất với ý kiến thứ nhất của báo cáo thẩm tra: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, nâng cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng. Tuy nhiên, nên cân nhắc về việc Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Cục trưởng cục đặc biệt vì Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy đinh về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm từ cấp Thứ trưởng. Với sự phân tích này, đại biểu Tới đề nghị chuyển cụm từ Cục trưởng cục đặc biệt của khoản 2 xuống khoản 3 điều 27, có nghĩa là Cục trưởng cục đặc biệt do Bộ Trưởng Bộ Công an bổ nhiệm.

4. Ngoài ra, đại biểu Lê Tấn Tới còn có ý kiến cho rằng: Tại điểm c, d khoản 1 điều 26 quy định cấp phó của Cục trưởng và tương đương được phong hàm thiếu tướng. Có nghĩa rằng, phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được phong hàm thấp hơn cấp trưởng 1 cấp, vậy phó của các chức vụ còn lại trong Công an nhân dân sẽ quy định như thế nào? Đại biểu Tới đề nghị Ban soạn thảo nên nêu rõ trong luật hoặc giao cho Bộ Trưởng Bộ Công an quy định cụ thể./.
                                                              
Trích nguồn Truyền hình Quốc hội
Các tin khác