Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia đóng góp ý kiến về Luật Đặc xá (sửa đổi)
Cập nhật ngày: 11-06-2018, lượt xem: 20
Tiếp tục chương trình làm việc Kì họp thứ 5, ngày 11/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về hai dự án: Luật Đặc xá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào ba nội dung: quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá; bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Tham gia thảo luận hội trường
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia đóng góp một số vấn đề:
Một là: “Thời điểm đặc xá quy định tại điều 5 của dự thảo luật. Tôi thống nhất với quy định về 3 thời điểm đặc xá trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu trong phần giải thích từ ngữ cần làm rõ các sự kiện trọng đại của đất nước. Chính phủ chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch và sự chủ động của các cơ quan thực hiện và có cơ sở trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thì nên làm rõ khái niệm này”.
Hai là: “Điều kiện đề nghị đặc xá nhân các sự kiện trọng đại và các ngày lễ lớn của đất nước tại điều 10. Đối với khoản 1 của điều 10 tôi thống nhất quan điểm của nhiều đại biểu về vấn đề này. Bởi vì quy định tại khoản 1 điều này cũng có nhiều nét cơ bản giống với quy định của điều 66 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn…. Để đảm bảo sự công bằng và tránh phát sinh những khiều kiện phức tạp, đề nghị trong trường hợp khi người bị hại chưa đảm bảo về lợi ích chính đáng thì không nên xem xét đặc xá”
Ba là: “Liên quan đến các trường hợp không đề nghị đặc xá tại điều 11 của dự thảo luật... Đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc đối với các trường hợp không đề nghị đặc xá như dự thảo luật hiện hành đó là bổ sung thêm 2 trường hợp: Trước đó đã được đặc xá và trường hợp có từ 02 tiền án trở lên không được đề nghị đặc xá”.
Bốn là: “Về nghĩa vụ của người đặc xá tại điều 13. Quy định về khoản nộp đơn xin đặc xá theo quy định của pháp luật. Quy định khai báo đầy đủ, trung thực thông tin của cá nhân liên quan đến việc đề nghị đặc xá. Tôi cho rằng quy định này chưa đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của người đặc xá. Cần thể hiện rõ, chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của người được đặc xá”.
Năm là: “Trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan tại điều 33, tại khoản 1 có quy định về việc tuyên truyền, phổ biến luật đặc xá, quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước và văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền… Tôi đề nghị tại khoản 1 bổ sung thêm trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền về ý nghĩa của việc đặc xá”./.
Nguồn: Truyền hình Quốc hội
Các tin khác