Đoàn Đại biểu Quốc hôi tỉnh Bạc Liêu thảo luận tổ về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật chăn nuôi
Cập nhật ngày: 8-06-2018
 
Tiếp tục chương trình làm việc kì họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, chiều ngày 7/6/2018, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Dự án Luật Chăn nuôi.
 
Thảo luận tại tổ 11 gồm các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bạc Liêu, Kon Tum, đa số các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật CAND sửa đổi với những nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ CAND và Công an xã hiện nay.

Cho ý kiến về Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 18), các đại biểu băn khoăn vấn đề hiện nay còn hơn 8 nghìn xã chưa được bố trí công an chính quy, đề nghị ban soạn đánh giá tác động cụ thể vớinhững đối tượng chịu tác động, đồng thời cần chú ý vấn đề phát sinh biên chế và các hoạt động chức năng của ngành Công an.


Ông Lê Tấn Tới - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
 
“Về công an xã, điều 18, đồng tình công an xã là chính quy. Dù tội phạm nguy hiểm ở mức độ nào thì xảy ra ở một địa bàn nhất định, người Công an cơ sở giữ vai trò rất quan trọng. Xuất phát từ vị trí, vai trò của Công an xã, việc thực thi nhiệm vụ của Công an xã rất nhiều và khó khăn. Công an xã là lực lượng chính quy sẽ rất thuận lợi, đưa về huyện, xã nhưng không phải trả lương. Nếu có sự chỉ đạo ở cấp trên thì thực hiện sẽ hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Khó khăn là khi bố trí Công an ở hơn 8 nghìn xã. Đề nghị giải quyết chính sách thỏa đáng cho người đến tuổi nghỉ hưu, Công xã được đào tạo bài bản mà còn độ tuổi thì nên dồn lại cho lực lượng chính quy, lực lượng Công an có năng lực chuyên môn thì dồn vào.”

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thể hiện sự quan tâm tới quy định trần quân hàm của Giám đốc công an cấp tỉnh là Thiếu tướng, trước quy định này nhiều đại biểu cho rằng cần có sự nhìn nhận kỹ lưỡng và có sự tương đương với Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh vì hai lực lượng này là rất quan trọng tại các địa phương.

Ông Tạ Văn Hạ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu       
“Lực lượng công an tiếp cận với dân nhiều nhất, cần có quy định đặc thù…Phong quân hàm theo vị trí hiện nay, đối với vị trí Đại tướng cấp Bộ trưởng … Chốt cứng như thế này chưa hợp lý.”

Ông Lê Tấn Tới - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu 
“Khoản 2, điều 27, Cục trưởng Cục đặc biệt là Thủ tướng bổ nhiệm. Do đó để phù hợp thực tế, giao cho Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm, còn Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng.”

Phiên thảo luận tại tổ còn nhiều ý kiến băn khoăn về độ tuổi nghỉ hưu 45 tuổi đối với hạ sỹ quan, như vậydễ gây lãng phí nguồn nhân lực bởi nhiều cán bộ vẫn còn sức khỏe và muốn tiếp tục cống hiến, do đómột số đại biểu đề nghị nên xem xét lại vấn đề này sao cho hợp lý hơn.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật chăn nuôi, Ông Nguyễn Huy Thái - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng:
“Trong chế biến hiện nay, chưa có chính sách cụ thể việc cấp phép nuôi chim yến. Có khoảng 340 cơ sở nuôi chim yến và khai thác tổ, được gọi là vàng trắng. Do giá trị kinh tế cao, người dân đã dẫn dụ chim yến về làm tổ tại nhà của họ. Chưa quy hoạch được vùng nuôi chim yến, chưa có công trình khoa học nào về chim yến. Cấp phép thì chưa tính toán được hệ số nhân đàn, nếu cấp phép thì không quản lý được. Cấm nuôi chim yến trong khu đô thị. Tiếng ồn giữa những khu nuôi chim yến. Chương 2, Danh mục giống vật nuôi, chim yến thuộc động vật nuôi nào, để từ đó có chính sách phù hợp, trước mắt để xử lý những bất cập về việc nuôi chim yến.”./.
                                                        
  Nguồn: Truyền hình Quốc hội