Đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại tổ về Luật giáo dục sửa đổi và luật giáo dục Đại học
Cập nhật ngày: 31-05-2018
 
Tiếp tục chương trình làm việc kì họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục sửa đổi và dự án Luật Giáo dục Đại học.
 
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều. Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát toàn diện tất cả vấn đề của Luật giáo dục, sửa đến đâu thì báo cáo Quốc hội và Quốc hội quyết định vấn đề này. Đại biểu cũng cho rằng Luật Giáo dục được coi như luật cái, luật khung để sửa đổi, bổ sung các luật khác liên quan, đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay và phù hợp với Hiến pháp 2013.

Ông Tại Văn Hạ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

“Nội dung sửa căn bản làm sao phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. 1 là nền giáo dục mở, 2 là hướng tiếp cận, thay đổi đồng bộ sách giáo khoa, chính sách cho người học, người dạy. Chính vì vậy sửa luật này là luật khung.”

Đa số các ý kiến đồng tình với quy định học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước. Các đại biểu đề nghị nên quy định cho vay tín dụng sư phạm cho các học sinh, sinh viên ngành sư phạm.

Ông Nguyễn Huy Thái - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

“Tôi đề nghị nên quy định cho vay tín dụng sư phạm cho các học sinh, sinh viên ngành sư phạm. Nếu như sau này các học sinh này tốt nghiệp và phục vụ ngành giáo dục có đủ thời gian theo quy định thì sẽ không phải trả khoản nợ vay tín dụng sư phạm”.

Về điều 29 chương trình xã hội hóa sách giáo khoa, nhiều đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tiễn nền giáo dục Việt Nam, cần phải quy đinh rõ ràng, chặt chẽ tránh trường hợp mang lại lợi ích nhóm cho một số đối tượng gây nhiễu loạn trong hệ thống sử dụng sách.

Đại biểu Ông Nguyễn Huy Thái cũng nhấn mạnh:“Tại khoản 2 điều 29, mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa… Tôi còn băn khoăn vì quy định còn chung chung, dự báo thiếu tính khả thi, chưa giải quyết được tình trạng bất cập của sách giáo khoa hiện nay….Phải khắc phục được tình trạng sách giáo khoa thiên về lý thuyết, ít kiến thức ứng dụng và hoạt động thực hành, được biên soạn theo phương pháp truyền thụ 1 truyền…”

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải quan tâm đúng mực đến giáo dục, để luật Giáo dục thực sự gắn với cuộc sống và sự phát triển của giáo dục cần phải sửa toàn diện. Trong đó các đại biểu quan tâm đến vấn đề giáo dục mầm non, giáo dục nhà trẻ, theo đó cần có chính sách ưu tiên để trẻ học mầm non công lập không phải đóng tiền học phí. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non, đãi ngộ với đội ngũ này tương xứng để tạo nền móng thế hệ sau và nhằm giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực liên quan đến giáo dục mầm non trong thời gian qua.
 

Bà Trần Thị Hoa Ry - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ

 
Thảo luận tại tổ về Luật Giáo dục đại học, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là vấn đề xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn Bạc Liêu cho rằng, mô hình các trường đại học không đồng nhất nên việc xếp hạng không phản ánh thực chất các cơ sở giáo dục đại học, các tiêu chí còn chung chung.

Bà Trần Thị Hoa Ry - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

“Quy định chung chung như thế này tôi nghĩ không giải quyết được những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với tiêu chí và xếp hạng giáo dục này. Người ta cho là không phản ánh được thực chất chất lượng đào tạo.”

Liên quan đến việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ngoài ra, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí./.
                                                                                   

Nguồn: Truyền hình Quốc hội