Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham gia thảo luận tại tổ về Luật Cảnh sát biển và Luật Đặc xá
Tiếp tục chương trình kì họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, chiều ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và dự án Luật Đặc xá sửa đổi.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đa số các đại biểu nhất trí cao với việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết. Tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Đa số các đại biểu cho rằng, với tính chất đặc thù hoạt động trên biển, việc xác định chức năng của cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra "điểm trống" trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan tổ chức khác.
Đại biểu Lê Tấn Tới, đoàn Bạc Liêu băn khoăn quy định tuần tra Cảnh sát biển thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong khi thực thi pháp luật trên biển hiện nay không chỉ có cảnh sát biển mà còn nhiều lực lượng khác tham gia như hải quân, hải quan, kiểm ngư, biên phòng, tự vệ biển.
Ông Lê Tấn Tới - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, phát biểu thảo luận tại tổ
Ông Lê Tấn Tới - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
“Tại điều 10, quyền hạn CSB, khoản 1 quy định tuần tra Cảnh sát biển, tôi băn khoăn vấn đề tuần tra thì ai là người chịu trách nhiệm chính trên vùng biển. Để tránh trùng lặp, tôi đề nghị sửa lại: cảnh sát biển tuần tra vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng biển quốc tế Việt Nam…”
Về phạm vi hoạt động của cảnh sát biển, Đại biểu Lê Tấn Tới cho rằng cần xem xét điều 11, cụm từ “địa bàn có liên quan” còn trừu tượng, đồng thời đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại cụm từ này, nên để là cảnh sát biển hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đặc xá sửa đổi, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội là quy định phải hoàn thành các nghĩa vụ dân sự như hình phạt bổ sung về tài chính đối với những người được hưởng đặc xá được đề cập trong Dự án luật sửa đổi lần này. Nhiều đại biểu cho rằng, với quy định này vô hình chung đã tước đi quyền được hưởng đặc xá của nhiều đối tượng là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn đồng thời phát sinh tiêu cực trong quá tình xét duyệt đặc xá.
Bà Trần Thị Hoa Ry - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Về thời điểm đặc xá, thống nhất với dự thảo luật, băn khoăn khoản 1, điểu 10, cơ bản na ná như tha tù có thời hạn như của bộ luật hình sự. Tôi thống nhất luật đặc xá là sự khoan hồng, đặc ân của Nhà nước. 1 năm 1 lần, trên 10 ngàn người là khá lớn. Số người hành vi tái phạm tội ít nhưng vẫn khiến người dân lo lắng. Đề nghị cân nhắc điểm b, 1 trong những điều kiện đặc xá, cân nhắc thận trọng nhất là tội khủng bố, tội cố ý phạm tội, đối với 1 số đối tượng đặc biệt…
Tại phiên thảo luận cũng nhận được nhiều ý kiến liên quan đến quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, đa số các đại biểu đề nghị cần có cơ sở lưu trú cho đối tượng này và Chính phủ quy định về vấn đề này nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự của địa phương và đất nước. Riêng đối với quy định, người mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên, nhiều ý kiến e ngại, quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội, chỉ nên dừng ở mức bệnh hiểm nghèo, không nên quy định thêm cho các trường hợp ốm đau thường xuyên./.
Nguồn: Truyền hình Quốc hội