LỰC LƯỢNG THAM MƯU CÔNG AN TỈNH BẠC LIÊU: ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THAM MƯU NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Trong những năm qua, được sự quan tâm, tin tưởng của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh; cũng như sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành và Công an các đơn vị, địa phương, lực lượng Tham mưu Công an tỉnh đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Tham mưu luôn nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân; thường xuyên rèn luyện nâng cao phẩm chất và đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực công tác, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân. Trước yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH trong tình hình hiện nay, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm và không ngừng chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu Công an; trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về nhiệm vụ công tác công an hàng năm của Công an tỉnh đều có các giải pháp để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, trong những năm qua, công tác tham mưu đã đạt nhiều kết quả quan trọng: (1) Tổ chức, bộ máy cơ quan tham mưu từng bước được củng cố, kiện toàn theo quy định; chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tham mưu, của các Đội, Trung tâm trực thuộc phòng Tham mưu; các đội Tham mưu, tổng hợp của Công an các đơn vị, địa phương từng bước được điều chỉnh, bổ sung phù hợp. (2) Công tác tham mưu đã quán triệt kịp thời, nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, với nhiều giải pháp phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. (3) Lực lượng Tham mưu làm tốt chức năng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh công tác của cấp trên, nhất là tham mưu kiểm tra chức trách, nhiệm vụ và vai trò nêu gương của người đứng đầu Công an đơn vị, địa phương. (4) Công tác sơ, tổng kết chuyên đề, lĩnh vực công tác Công an được chú trọng, qua đó đút kết kinh nghiệm và góp phần xây dựng, hoàn thiện lý luận CAND như: tổng kết công tác bảo vệ ANQG trong tình hình mới; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; các chuyên đề về phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chuyên đề về xây dựng lực lượng CAND… (5) Tích cực phối hợp với Công an các các đơn vị, địa phương; làm đầu mối phối hợp các lực lượng như Quân sự, Bộ đội Biên phòng trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình; đồng thời là kênh trao đổi, phối kiểm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. (6) Công tác trực ban, trực chỉ huy, ứng trực được tổ chức thực hiện nghiêm túc; có đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức tập huấn… đảm bảo thực hiện thống nhất, nghiêm túc. Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo, thống kê của các, đơn vị, địa phương đã đi vào nề nếp; các vụ, việc nổi lên đã kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu chỉ đạo xử lý. (7) Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác tham mưu; nhiều cán bộ được đưa đi đào tạo, tập huấn kỹ thuật, vừa nâng cao trình độ, vừa góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của Công an tỉnh; trực tiếp nghiên cứu, xây dựng nhiều phần mềm phục vụ công tác , qua đó góp phần khắc phục tình trạng báo cáo chậm, thống kê không chính xác, không đầy đủ….
Thượng tá Phan Hoài Vũ – Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi Tọa đàm về “Sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên Đảng bộ cơ sở Tham mưu gắn với chuyên đề “phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận công tác tham mưu còn những hạn chế, yếu kém, đó là về nhận thức về vị trí, vai trò công tác tham mưu của một số cấp ủy, lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, biểu hiện ở việc thiếu quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu; bố trí cán bộ không phù hợp; chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu; công tác phối hợp nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình chưa đáp ứng yêu cầu; phương pháp, lề lối tham mưu còn tình trạng hành chính đơn thuần, chưa bảo đảm đúng tính chất cơ quan tham mưu của lực lượng vũ trang chiến đấu...
2. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn phản động và tội phạm gia tăng các hoạt động chống phá… Điều đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề đối với lực lượng tham mưu; phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng các mặt công tác Công an, nhất là phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu. Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải thật sự coi trọng công tác tham mưu, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong đó, cần phải thống nhất nhận thức, tham mưu là một trong những chức năng của toàn lực lượng, từ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp đến cán bộ, chiến sĩ đều phải làm công tác tham mưu. Do đó, người lãnh đạo, chỉ huy phải có trách nhiệm nêu gương, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình để tham mưu có tính chất chiến lược, toàn diện cho cấp ủy, chính quyền, tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh về bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, lực lượng Tham mưu phải quán triệt và nắm vững các yêu cầu, nhiệm vụ về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong từng thời kỳ; phải bảo đảm chất lượng tham mưu, đề xuất đúng, chính xác, có tầm nhìn lâu dài, bảo đảm tính khả thi; đáp ứng được các yêu cầu về cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Muốn vậy, phải tuân thủ các nguyên tắc, luôn quán triệt và chấp hành tuyệt đối quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác tham mưu và bảo đảm nguyên tắc toàn diện, tổng hợp trong công tác tham mưu.
Thứ ba, trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ và đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, lực lượng Tham mưu phải nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, tập trung vào các lĩnh vực, chuyên đề lớn, những vấn đề mới phát sinh. Từ đó đề xuất cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị, địa phương chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hoạt động bảo đảm khoa học, chất lượng, có tính lâu dài; thường xuyên nắm chắc tình hình thực tiễn, kịp thời phát hiện và kiến nghị bổ sung vào chương trình làm việc những vấn đề quan trọng, mới nảy sinh để cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, địa phương xem xét, chỉ đạo kịp thời, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết, chương trình, kế hoạch đề ra.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, đề án, chương trình công tác đã đề ra; các chuyên đề nghiệp vụ, các vụ án lớn… để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc đề xuất các chủ trương, biện pháp, đối sách, góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống lý luận Công an, gắn công tác tham mưu với công tác nghiên cứu khoa học, lịch sử.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác tham mưu phải có các phẩm chất như có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực, tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tâm huyết với công việc; linh hoạt, nhạy bén để phát hiện vấn đề quan trọng nổi lên; có năng lực khái quát, tổng hợp cao, biết tổng kết thực tiễn để đúc rút thành lý luận; có năng lực tổ chức, hợp tác, hiệp đồng, cùng giải quyết công việc với tính chất làm việc nhóm và với các cơ quan hữu quan; có tri thức toàn diện theo hướng giỏi chuyên môn, hiểu những chuyên ngành gần kề, biết tri thức cơ bản của các chuyên ngành khác, sử dụng thành thạo các phương tiện CNTT hiện đại để khai thác tốt nhất mọi nguồn lực phục vụ hoạt động tham mưu.
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là CNTT để cải tiến, nâng cao chất lượng các khâu trong công tác tham mưu. Tập trung nghiên cứu xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc thu thập, xử lý thông tin, tổng hợp, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, đề xuất hỗ trợ trang bị các phương tiện kết nối mạng máy tính phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp. Tiếp tục củng cố, nâng cấp Trang thông tin điện tử Công an tỉnh để trở thành đầu mối, kênh cung cấp thông tin chính thống về hoạt động của lực lượng CAND nói chung, Công an tỉnh Bạc Liêu nói riêng và những vấn đề liên quan ANTT đến các tổ chức, cá nhân và xã hội./.
Phan Vũ