Bạc Liêu tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình
Cập nhật ngày: 10-12-2017
 
Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Bạc Liêu nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tính từ đầu năm 2017 đến nay tỉnh Bạc Liêu xảy ra hơn 20 vụ cháy, trong đó số vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ cao.
 
Điển hình như một vụ cháy nhà kho xảy ra và ngày 24/8 tại khu vực Hẻm 144, Đường Trần Phú, phường 7, thành phố Bạc Liêu. Trong lúc các công nhân đang làm việc trong kho hàng chứa vật liệu thì bất ngờ căn nhà bốc cháy. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện đến bảo vệ hiện trường và dập tắt đám cháy, đám cháy không gây thiệt hại về người.


 
Hay một vụ cháy khác xảy ra vào ngày 7/9, tại ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình. Sau khận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã huy động 4 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sỹ để dập lửa. Vào thời điểm xảy ra cháy thời tiết hanh khô cộng với nhiều đồ đạc dễ cháy trong nhà nhưng với sự quyết tâm của các chiến sỹ chữa cháy, sau gần 1 giờ chiến đấu với giặc lửa, các chiến sỹ chữa cháy đã dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở của hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư thực hiện đúng các quy định về đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Hướng dẫn các giải pháp ngăn cháy lan, các giải pháp thoát nạn; hướng dẫn đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; lắp đặt, sử dụng hệ thống điện gia đình; sắp xếp, bảo quản tài sản, vật dụng chất cháy và hướng dẫn trong bị phương tiện chữa cháy cụ thể:

Giải pháp ngăn chặn cháy lan khi có cháy: Đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh nơi có chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí cách biệt với nơi ở và sinh hoạt. Đối với nơi sản xuất, kinh doanh chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ, nơi để các phương tiện giao thông cơ giới, hướng dẫn các giải pháp ngăn chặn cháy với lối thoát nạn. Đối với nhà ở có tầng hầm, cần hướng dẫn các giải pháp ngăn khói, ngăn cháy lan lên các tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật thông hầm; không bảo quản sử dụng chất khí, chất lỏng dễ cháy, nổ trong tầng hầm.

Giải pháp thoát nạn: Đối với nhà ở có lối thoát nạn, cần hướng dẫn và bố trí thêm phương án thoát nạn khác, có thể là cầu thang sắc ngoài nhà, ống tụt hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công sân thượng. Đối với lối đi, lối thoát nạn cần hướng dẫn giải pháp giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của yếu tố nguy hiểm từ đám cháy. Đối với nhà ở có ban công hoặc cửa sổ mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần đảm bảo thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết, trường hợp lắp đặt lồng sắt hoặc lưới sắt thì nên bố trí ô cửa thoát nạn khi có cháy, nổ. Đối với tầng mái (sân thượng) nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có thể duy chuyển lên tầng mái.

Đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt: Tại nơi đun nấu, không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nơi đun nấu, khi sử dụng bếp. Tại khu vực thờ cúng, vách, trần nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, đèn bát hương khi thắp cần đặt chắc chắn trên mặt phẳng để tránh bị đổ vỡ, trường hợp đặt trên vật dụng khác thì nên đặt trên vật dụng không cháy hoặc khó cháy. Khi đốt vàng mã cần có người trông coi, nơi đốt vàng mã cần được che chắn tránh cháy lan.

Bảo quản an toàn trong lắp đặt, sử dụng hệ thống điện gia đình: hệ thống điện cần được thiết kế đảm bảo đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung tòa nhà. Cầu giao, aptomat nên lắp đặt ngay tại vị trí thuận tiện cho việc đóng ngắt điện. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán tránh gây quá tải, không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng ổ cắm. Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện sinh nhiệt lớn cần có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy. Kiểm tra và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Nên bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện bị hư hỏng hoặc không đảm bảo.

Bảo đảm an toàn trong sắp xếp, bảo quản tài sản, vật dụng, chất cháy: Không nên để chất dễ cháy trong nhà, trong trường hợp cần thiết thì nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt. Ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cần để cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Sắp xếp, bảo quản tài sản, vật dụng theo từng loại bảo đảm gọn gàng, không cản trở lối đi, lối thoát nạn, không để hàng hóa, chất cháy gần ổ cắm điện, công tắc, aptomat, thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt. Hàng hóa dễ cháy bố trí trong khu vực hoặc phòng riêng và loại trừ yếu tố có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt hoặc do phản ứng hóa học giữa các chất.

Trang bị phương tiện chữa cháy: Hộ gia đình nên tự trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động và điều kiện của từng hộ gia đình./.
 
                                                                                               Bích Ân