|
Giải Vietnam Open 2017 quá tầm với Lý Hoàng Nam. Ảnh: T.P |
Giải Vietnam Open thuộc hệ thống Challenge (chỉ hơn Men’s Futures) của ATP, nhưng cả ba tay vợt chủ nhà có mặt nhờ suất đặc cách đều đã bị loại ngay vòng 1. Dù biết tay vợt người Nhật Bản Go Soeda dày dạn kinh nghiệm (từng thắng cựu số 1 thế giới Lleyton Hewitt, Stanislas Wawrinka, Kei Nishikori...), nhưng cách Hoàng Nam bị ngợp và thua cách biệt 0-2 (4-6, 1-6) trước Go Soeda đêm 24-10 khiến khán giả rất thất vọng.
Làng quần vợt VN từng kỳ vọng “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên (22 tuổi) với sự hậu thuẫn lớn của gia đình. Nhưng Thiên đã chựng lại và vừa bị loại ở tứ kết giải quốc gia. Hoàng Nam trở thành niềm hi vọng duy nhất với sự đầu tư mạnh mẽ từ Becamex Bình Dương nhiều năm qua. Chỉ tính từ đầu năm 2017, Hoàng Nam thi đấu 17 giải Men’s Futures và một lần đăng quang ở giải Thailand F3 Futures hồi tháng 6.
Nhưng cả hai lần thử “ướm chân” ở giải Challenge năm nay Hoàng Nam đều không vượt qua được vòng loại.
Nhìn sang Trung Quốc, tay vợt 18 tuổi Wu Yibing - người từng hai lần bị Hoàng Nam đánh bại ở các giải trẻ - đã lên hạng 329 thế giới. Ngay cả người đánh cặp ăn ý với Hoàng Nam là Nagal Sumit (từng kém Hoàng Nam 12 bậc trên bảng xếp hạng trẻ thế giới) cũng đã leo đến hạng 261 thế giới. Và đẳng cấp của Nagal đã minh chứng trong trận thua sít sao 1-2 trước đối thủ từng hạng 8 thế giới người Nga Mikhail Youzny.
Nguyên nhân khiến quần vợt VN giậm chân tại chỗ nhiều năm qua được các chuyên gia chỉ ra khá nhiều. Đầu tiên là bất lợi về thể hình, sức mạnh cơ bắp của người Việt... Tiếp đó là sự eo hẹp kinh phí, các tay vợt thiếu định hướng chuyên nghiệp lẫn cọ xát để tích lũy kinh nghiệm quốc tế... Với Hoàng Nam, đó là sự thua kém về bản lĩnh.
HLV tuyển quần vợt VN Trương Quốc Bảo cho biết: “Trình độ Challenge vẫn quá cao so với quần vợt VN. Giải pháp tốt nhất lúc này là Hoàng Nam phải đi thi đấu nhà nghề thật nhiều, chấp nhận thất bại ban đầu để nâng mình lên”.
Sau trận thua Go Soeda, Hoàng Nam cũng thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ chạm trán với tay vợt xếp hạng tầm 100 thế giới như Go Soeda. Tuy không có gì khác biệt quá lớn với họ, nhưng tôi bị tâm lý khi gặp đối thủ lớn nên vào sân là “cứng” người. Đến khi bị đẩy vào thế không còn gì để mất thì tôi mới đánh hay hơn. Ở ván hai, Go Soeda bất ngờ đánh nhanh hơn thì nói chung là tôi không đánh lại được. Tôi nghĩ mình cần phải thi đấu nhiều giải Challenge hơn để làm quen”.
HLV Nguyễn Phi Anh Vũ của đội Becamex Bình Dương nói thêm: “Từ giờ đến cuối năm, Hoàng Nam phải tập trung tăng cường sức mạnh thể chất, sức chịu đựng để đối phó bóng nặng và tốc độ của đối thủ đẳng cấp cao. Nam hiện có HLV thể lực riêng từng tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài. Lịch thi đấu năm sau của Nam cũng sẽ dự nhiều giải đẳng cấp Challenge hơn”.
Một HLV dày dạn kinh nghiệm nhận định Hoàng Nam có ý chí rất tốt, nhưng trong quần vợt phải nói đến tố chất và sức mạnh. Ở tuổi 20, Hoàng Nam vẫn còn khả năng phát triển nhưng sẽ khó lọt vào top 200 thế giới. Nếu không có sự nỗ lực mạnh mẽ từ bản thân, Hoàng Nam cũng như quần vợt VN khó có thể “thoát xác”, đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả VN.
Hoàng Nam chia tay HLV Christian Brydniak
Lý Hoàng Nam sẽ chia tay HLV Thụy Điển Christian Brydniak - người sát cánh giúp Hoàng Nam vô địch đôi nam Wimbledon trẻ 2015 và những giải quốc tế thời gian qua - sau hơn 2 năm gắn bó.
HLV Nguyễn Phi Anh Vũ của đội Becamex Bình Dương cho biết: “Hợp đồng với HLV Christian Brydniak kết thúc vào tháng 11. Chúng tôi đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm tìm ra hướng đi thích hợp nhất cho Nam. Có thể Nam có HLV mới tốt hơn, hoặc được gửi sang một học viện danh tiếng ở nước ngoài”.
|
Theo: tuoitre.vn