Thỉnh thoảng, tôi và một vài người bạn lại có cùng nhau một chuyến đi chơi xa. Chủ yếu là những vùng núi phía Bắc. Và cùng nhau đi bộ trong rừng.
Cô bạn quê núi Hà Giang nên mỗi lần thấy núi đá, thấy rừng là lại như một đứa trẻ nhỏ, hân hoan và tung tăng. Tôi thì cũng có gì hơn. Hồn tôi đã gửi ngoài thiên nhiên từ khi trẻ dại. Cho nên sau những chặng đường dốc trơn lầy mệt nhoài và thương xót vì phải “ủn mông cô tiểu thư nước Pháp” (bọn tôi đi trên chiếc Peugeot trắng long lanh của cô bạn ấy và nàng gọi chiếc xe là tiểu thư nước Pháp) chỉ cần nhìn thấy rừng là bọn tôi đã rộn hết cả lên.
Hôm nay bọn tôi vào thăm Hoài Khao, một bản của người Dao Tiền nằm sâu trong một thung lũng giữa rừng ở Nguyên Bình, Cao Bằng. Hoài Khau, tiếng Dao Tiền là con trâu trắng với những huyền tích kể lại qua ngàn đời. Tôi đang lạc trong vùng huyền thoại…
Người Dao gắn với rừng và tự hào về những cuộc phiêu bạt tìm rừng bi hùng của tiền nhân. Họ là người của rừng. Tổ tiên của họ là rừng. Rừng hiện diện trong những bức tranh thờ của dân tộc họ. Nghiệp rừng là món nợ nghiệp với tiền nhân. Vậy nên mỗi khu quần cư của người Dao đều gắn với một vùng rừng thiêng. Ở đó luôn chứa một điều gì lớn lao và có ý nghĩa lắm với tộc người Dao.
Cậu bạn Dao Tiền mới quen đưa chúng tôi vào Hang Oong, đất thiêng của vùng rừng này. Vừa đi vừa kể… Với người Dao Tiền thì loài ong làm tổ ở hang ong đó từ trước khi người Dao Tiền định cư ở đất này. Người Dao Tiền Hoài Khao thấy hang ong cổ, tin vào lời nhắn của tiền nhân mà dừng bước nơi đây, không đi tìm rừng nữa.
Bọn tôi hỏi, có bao giờ Hang Oong bị phá tổ ong không? Cậu bạn Dao Tiền vai rộng, lưng dày như con gấu lớn ấy cười khoe hàm răng trắng như bạc Hoa Xòe ấy lắc đầu bảo, không, người Dao Tiền thờ ong, người Hoài Khao có lời thề với Hang Oong. Hàng năm, đến khoảng đầu tháng Tám âm lịch, gặt xong, người Dao Tiền ở đây lại làm lễ cúng trong Hang Oong. Lễ cúng Hang Oong to như Tết người Kinh, to như Lễ Tàu Sai - Cấp Sắc…
Tôi mở list nhạc hòa tấu. Khe khẽ thêm vào âm thanh của rừng tiếng đàn dây mê miết. Thấy tất cả cứ hòa nhuyễn vào nhau. Những câu chuyện, cánh rừng, dòng suối, tiếng chim, gương mặt bạn bè… và nhạc. Có cảm giác mình đang bay là là và nhìn mọi thứ. Đúng là chỉ có âm nhạc với thiên nhiên mới cho người ta có thể sống được ngoài phạm vi cơ thể của chính mình.
Và tôi đi lạc…
Lạc rừng vì mải đi theo mùi hương các loài thực vật không tên. Con Lục Troóc hót gọi bạn tình. Đàn Bồ Chao rùng mình rũ mưa. Vạt nấm rừng thì vừa tỉnh giấc. Tôi theo âm thanh u u của triệu tiếng ong vẫy cánh tìm đến Hang Oong, một vùng thiêng với đàn ong huyền thoại ngàn năm của người Dao Tiền. Hồn người căng tràn tình vạn vật. Vì thế mà say.
Những cái nấm màu vàng ấy thật giống nấm Thông. Nấm Thông màu rực rỡ, mùi cam chín. Thật ngại quá, ăn lại ngon chứ không sùi bọt mép và cười suốt ngày đâu. Mấy cái màu trắng là nấm Mối, ngon hơn nhưng hương thơm không bằng nấm Thông. Lần ấy đi theo một chú tiểu vào rừng thông hái nấm. Vui và nghĩ được rất nhiều lingtalingting...
Vậy là đã bốn năm chưa đi bộ trong rừng Đà Lạt. Cũng nhớ thật đấy nhưng không sao. Tôi vẫn có bạn bè cùng đi bộ trong những khu rừng khác. Cùng để mây vây ướt hết người. Cùng hái vô vàn những quả mâm xôi và sung sướng bỏ thẳng vào miệng.
Tôi vẫn lang thang như thế và nghĩ. Sống thế nào là việc của tôi. Tin hay không là chuyện của bạn… Đây không phải là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Mỗi khi đêm xuống và bóng tối tràn ngập những khu rừng là lúc ý nghĩ đó hiện ra trong đầu. Im lặng và bóng đêm, khi bên trong tim nứt rạn trước cái đẹp siêu thực gần như ngạt thở của vũ trụ. Ánh sáng lùi dần để lại những bóng đen cô độc im lìm. Khu rừng chờ đợi bóng tối, tôi chờ đợi ánh sáng tắt đi để trở về với chính mình. Kìa! Bầu trời có màu xanh đậm. Hình như chúng ta vẫn tìm, vẫn mong những điều gì đó ghê gớm lắm…
Nhưng bây giờ là ban ngày và tôi đã quên mình đang đi lạc… Có những tiếng hú gọi. Tôi hú trả lời, gọi mọi người đến vạt nấm và quả rừng ven suối. Lại đây, nhiều nấm và quả lắm này! Tự nhiên liên tưởng tới đàn nai gọi nhau trong rừng khi thấy thức ăn. Mấy người bạn bảo, nhưng nghi là không ăn được đâu, vì hoa nó sặc sỡ quá! Cái bẫy đấy!
Đời, phàm cái gì sặc sỡ thì đều để dụ... con mồi! Đúng vậy, Kể cả khi tâm hồn mình sặc sỡ quá, thì cũng nên cảnh giác. Vì rất có thể mình sẽ làm mồi cho chính tâm hồn lòe loẹt của mình. Lại nghĩ linh tinh rồi, bụng bảo dạ, thôi không nghĩ nữa. Nháy cô bạn, dừng lại hái mâm xôi tiếp đi! Thế là hai đứa lại hớn hở hái bỏ thẳng những quả mâm xôi rừng mọng đỏ vào miệng, liên tu bất tận như những giấc mơ trẻ dại.
Cô bạn tôi đã trải qua những tháng ngày dài của bi kịch, thậm chí, bi hài kịch. Bờ vai bạn gầy và mảnh, sao phải gánh những điều tưởng ngoài sức như thế! Đã có lúc muốn nói với bạn: Bớt đau lòng nhé người ơi! Làm ơn đi! Nếu còn muốn khóc thì lại khóc nguyên một ngày cho thỏa một cơn mưa rào! Đừng mưa dầm nữa nhé, để đất sũng lạnh lâu, hạt không thể nảy mầm!
Và thật may mắn, bạn tôi đang khấp khởi bước chân vào một hành trình mới. Hành trình đó, tôi tin là đẹp… Hái một vốc lớn mâm xôi, tôi đưa cho bạn. Bạn cười tươi, môi mọng đỏ mật quả rừng, bảo, sao không ăn đi cho tôi nhiều thế? Tôi cũng cười và bảo, bạn xứng đáng có tất cả những điều tốt đẹp nhất. Bạn cười thành tiếng, lão này tự nhiên ăn nói như hâm! Thì tôi hâm thật mới chơi với mụ hâm như bạn! Chúng ta đã trải qua nhiều quãng đường đời. Mỗi người đều có thanh xuân, mỗi thanh xuân đều có câu chuyện, mỗi câu chuyện đều có nuối tiếc, mỗi nuối tiếc đều có hồi ức đẹp đẽ vô tận.
Đi bộ với bạn trong rừng. Nghĩ và trò chuyện bao nhiêu điều lớn nhỏ về thiên nhiên và cuộc đời. Hỏi bạn, nếu mai kia khi bạn qua đời, bạn muốn mọi người nói điều gì về bạn? Bạn bảo, ôi động đậy kìa, động đậy thật kìa... Ôi sống lại rồi! Chưng hửng! Hóa ra bọn ta đều ham sống sợ chết. Mà đằng nào cũng chết. Vậy thì ngày hôm nay mình sống có đẹp không? Mình có là lý do cho nụ cười ngày hôm nay của một ai đó không?
Còn chị bạn cùng đoàn từ trong Nam ra cũng rất vui vì tự thấy chuyến đi này rất khác. Nàng thú thật, bạn nàng nghe đi Cao Bằng thì dặn nhớ ghé chỗ nọ , chỗ kia nhé. Mà nàng lần này lại không đến bất kỳ điểm nào trong list ấy. So với dăm lần đi miền núi phía Bắc trước, giờ nàng đã khác rất nhiều. Nàng không cố đến thật nhiều điểm, không tha lôi nhiều váy áo thướt tha để thay liên tục và chụp ảnh. Niềm vui sướng dễ dàng đơn giản hơn…
Nhưng vẫn phải chụp ảnh để còn “đăng phây” nhé! Thời đại này là lúc chúng ta được sống hai lần. Sự tồn tại của con người cùng lúc vừa được trải nghiệm, vừa được kể lại, trình bày, đóng gói và đánh bóng theo ý riêng của mỗi người. Đối với nhiều cách dán nhãn, thế là mặt nạ giả dối. Đối với những người khác, đó là lớp tự bảo vệ. Ai cũng muốn được quyền chủ động kể câu chuyện đời mình. Ai cũng nghĩ mình đang ở vị trí phía sau tay lái tự điều khiển hướng đi đời mình... Và thế sống chậm thôi, là ít váy áo thôi nhưng vẫn vài trăm bức ảnh. Có điều, trong những bức ảnh ấy, đẹp nhất là niềm vui của bọn tôi khi được chơi với nhau và đi chơi với nhau.
Lang thang mãi bọn tôi cũng đến được Hang Oong. Mùa này ong bắt đầu về xây tổ. Cậu bạn Dao Tiền nói, nghe người già kể, rất nhiều thế kỷ nay Hang Oong vẫn ngần ấy đàn ong, người Dao Tiền Hoài Khao làm lễ cúng ong xong thì xin tổ ong lấy sáp chia cho nhau, nhưng mùa qua mùa, năm qua năm, đàn ong vẫn trở lại và xây những tổ mới ở đúng những chỗ cũ với hình dáng y như cũ, xác tín như lời hứa của tổ tiên. Và người Dao đứng đầu bản ở khắp vùng núi phía Bắc này đều về đây dự lễ cúng ong. Bởi một điều đơn giản thôi, con ong cho người Dao sáp ong để vẽ thổ cẩm. Mà còn những hoa văn, họa tiết của ông bà thì còn người Dao.
Trên đường về, ai đó trong đoàn kể câu chuyện về một con cá nhỏ. Con cá bé tẹo teo sống trong một mạch đá. Từ khi sinh ra nó chỉ có một khát vọng duy nhất là được biết thế nào là đại dương và khao khát được bơi ra đó. Một ngày nó quyết định lên đường. Nó đến hỏi ông cá lão, ông ơi cho con hỏi đường ra đại dương. Cá lão già và to lớn như một tảng núi hiền từ bảo, con đang ở trong đại dương đấy thôi!
Nếu có thể, cứ đi hết 24 giờ mà không phàn nàn, không một lần nào và rồi nhìn xem cuộc đời mình bắt đầu thay đổi ra sao. Tôi đã đi. Có thể không nghĩ gì cả hoặc rừng đã làm cho mọi ý nghĩ trở nên lơ nga lơ ngơ. Rừng đã lấy đi mọi sự tinh quái. Nhưng rừng cùng làm ta ngạt thở bởi có những khoảnh khắc chói lóa.
Hôm đó. Tôi là một chú cá con đi bộ trong rừng mây và gặp đại dương.