Sóc Trăng được biết đến là một vùng đất có rất nhiều ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con đồng bào Khmer, đồng thời là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá vùng đất Sóc Trăng.
Trong số những ngôi đó, không thể không nhắc tới Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (người dân địa phương gọi là Chùa Som Rong….tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, Khóm 2, Phường 5 (TP Sóc Trăng). Đến nay chùa Som Rong có niên đại trên 600 năm, đã trải qua 12 đời trụ trì.
|
Tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam. |
Theo lời kể của các vị sư, chùa Som Rong được xây dựng năm 1785, ban đầu là bằng tre lá tạm bợ. Đến năm 2000, chánh điện mới của chùa được khánh thành bằng vật liệu kiên cố nhưng với kiến trúc cũng khá đơn giản.
Năm 2013, qua vận động, thượng tọa Lý Đức cho xây dựng mới tòa nhà sala hiện nay và một số khối kiến trúc mới để tòa tam bảo ngày càng được trang nghiêm hơn. Công việc xây dựng trải qua 4 năm, đến đầu năm 2017, sala chùa Som Rong chính thức khánh thành.
Về cái tên Som Rong, theo người dân địa phương, do trước đây vùng này có rất nhiều cây dại mang tên Som Rong mọc quanh chùa, từ đó chùa mang tên loại cây này từ mấy trăm năm qua. Hiện nay trong khuôn viên chùa vẫn còn hai cây Som Rong.
|
Cận cảnh tượng Phật. |
Đến chùa Som Rong, ấn tượng đầu tiên với du khách là nét độc đáo ở cổng chùa bởi được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… được phủ nhũ vàng. Phía trên cổng có 5 ngọn tháp, là biểu tượng của núi Meru (tức núi Tu-di), nơi năm vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà-la-môn giáo.
Chùa Som Rong được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer Nam bộ khác với diện tích 5ha bao gồm: chánh điện, sala, nhà dành cho sư sãi, và còn có thêm một thư viện sách có hơn 1.500 quyển, phục vụ cho các em học sinh, người dân và bà con Phật tử tại địa phương.
|
Bảo tháp. |
Chánh điện là nơi thờ Phật chính trong những công trình kiến trúc của chùa. Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi 06 hàng trụ cột, với tầng mái được kết cấu khá đặc biệt gồm 3 hệ thống mái chồng lên nhau theo một khoảng cách nhất định. Ở mỗi gốc của tầng mái được trang trí hình tượng rồng của đồng bào Khmer.
Phần mái tiếp giáp với cột được trang trí hình tượng nữ thần Keynor và chim thần Krud, góp phần tạo nên sự chắc chắn, khỏe khoắn cho các bộ cột chống đỡ phần mái đồ sộ, vừa góp phần làm tăng vẻ đẹp và sự uy nghi cho công trình. Hai bên lối vào chánh điện là hình tượng Kỳ Lân với nét hung tợn, đứng canh giữ cửa nhằm ngăn cái ác và bảo vệ Đức Phật. Trên những vách tường và trần của chánh điện là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca.
Bệ thờ trong chánh điện thờ nhiều tượng Đức Phật Thích Ca. Trong đó, hai tượng Phật Thích Ca cổ được chế tác bằng cây vào đúng năm 1785 năm thành lập chùa. Hai tượng Phật này trong tư thế đứng, với cánh tay đưa thẳng về phía trước, lòng bàn tay có chỉ tay màu đỏ hướng về phía trước, có ý nghĩa nhắc nhở con người đừng làm việc ác, nên tích phúc, đức bằng cách làm điều thiện.
|
Tượng Phật trong bảo tháp. |
Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau, nổi bật nhất là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được chạm khắc rất tinh tế, sắc sảo.
Năm 2013, với mong muốn tạo sự hài lòng và có nơi hành lễ cho Phật tử được rộng rãi và khang trang hơn, thượng tọa Lý Đức đã cho khởi công xây dựng nhà hội sala của chùa, trên diện tích 1.144m², với tổng kinh phí xây dựng gần 16 tỷ đồng. Đến cuối tháng 1/2017, sala chính thức được khánh thành tạo niềm vui lớn cho nhân dân và phật tử đến chiêm bái. Công trình sala đồ sộ với quy mô một trệt, một lầu, vừa mang đậm nét kiến trúc truyền thống chùa-tháp Khmer vừa kết hợp hiện đại và cách phối màu đặc sắc, tạo điểm nhấn độc đáo cho chùa Som Rong.
|
Điểm nhấn của chùa Som Rong là tượng Phật nằm. |
Điểm đặc biệt của sala mới, đó chính là công trình trên mái của sala với hình tượng Phật Thích Ca đứng trên chín rồng, với ý nghĩa đức Phật phổ độ chúng sanh. Trong đó, chín rồng là tượng trưng cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trên các thành của lối dẫn vào sala được trang trí hình tượng rồng và cá poon-co rõ nét trong tư thế poon-co cố nuốt chửng rồng vào bụng. Điều này theo thuyết nhà Phật đến nay đã hơn 2.000 năm, nhưng poon-co vẫn không đủ sức. Sự việc này sẽ tiếp nối đến 5.000 năm thì poon-co sẽ không còn đủ sức, phải tự nhả rồng với ý nghĩa Đức Phật trường tồn, phổ độ chúng sanh.
Sala ở đây, ngoài chức năng là giảng đường của sư sãi, còn là nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ truyền thống của dân tộc thì còn là tăng xá dành cho sư sải trong chùa. Trong sala vẫn có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn so với chánh điện.
Cạnh bên sala mới là sala cũ của chùa. Nay được sử dụng làm thư viện với hơn 1.500 quyển sách để phục vụ cho sư sải, các em học sinh, người dân và bà con phật tử tại địa phương…
Sau sala là ngôi bảo tháp được khởi công vào tháng 12/2010, đến tháng 3/2012 thì hoàn thành. Bảo tháp được xây dựng trên diện tích 100m², chiều rộng 11m, cao khoảng 25m, với tổng kinh phí xây dựng trên 1,2 tỷ, do các mạnh thường quân và bà con phật tử đóng góp. Ngày chùa tổ chức lễ khánh thành ngôi bảo tháp và an vị tượng Phật đã thu hút rất đông bà con phật tử đến tham dự.
Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được trạm khắc rất tinh tế, sắc sảo. Ở vị trí trung tâm của bảo tháp là tượng Phật Thích Ca được sơn son, thiếp vàng rất trang nghiêm, mặt quay về hướng đông. Bảo tháp gồm có hai tầng, tầng trên là nơi lưu giữ tro cốt các vị đại đức, trụ trì chùa.
Nét độc đáo ở ngôi bảo tháp chính là màu sơn, thay vì màu vàng truyền thống thì tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối. Công trình kiến trúc bảo tháp đã trở thành một trong những điểm nhấn độc đáo của chùa Som Rong so với những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi lối kiến trúc và quy mô.
Phía sau nhà hội sala và ngôi bảo tháp là nhà khách, được xây dựng rất khang trang, tươm tất và thoáng mát. Tùy theo thời điểm mà nhà này có chức năng sử dụng khác nhau như nhà ăn, nơi nghỉ ngơi hay là nơi nghỉ qua đêm cho bà con phật tử vào các dịp lễ, hay các đội tham gia hội đua ghe Ngo vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng và cả ngày thường.
Đặc biệt trong khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63 m, cao 22,5 m, nặng 490 tấn, được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, đến nay mới hoàn thiện phần sơn.
Theo quan sát của PV, tượng Phật được thi công bằng bê tông, cốt sắt rất nặng và kiên cố. Bên dưới tượng dự kiến làm nơi sinh hoạt, hội họp, học tập cho hàng trăm tăng sinh. Do được đặt trên bệ cao cùng với sự to lớn của bức tượng nên từ TP Sóc Trăng có thể nhìn thấy bức tượng này từ xa hàng trăm mét.
Thượng tọa Lý Đức - Trụ trì chùa Som Rong cho biết: “Đây có thể xem là công trình tượng Phật Thích Ca lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với những đường nét tạo hình đặc trưng của dân tộc Khmer. Công trình sẽ làm cho ngôi chùa tăng thêm tính độc đáo, góp phần thu hút đông đảo phật tử và du khách trong và ngoài tỉnh, tạo thành điểm du lịch tâm linh của tỉnh nhà và khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Những công trình kiến trúc bên trong chùa được kết hợp hài hòa, tạo sự liên kết chặt chẽ phát huy bản chất vốn có của nơi mà đời sống phật tử như hòa hợp, gắn kết, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của dân tộc. Đồng thời, chùa Som Rong cũng là nơi để du khách gần xa tìm đến khám phá, trải nghiệm những tinh hoa văn hóa tín ngưỡng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.
Nguồn cand.com.vn