Ngày 21/11, Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bầu ông Lê Văn Thành làm tân Phó Chủ tịch Tài chính và Vận động tài trợ. Với 35/72 phiếu (4 phiếu không hợp lệ), ông Lê văn Thành đã vượt qua các ông Phạm Thanh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khoá 8 (28 phiếu) và ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm TGĐ CTCP Cacao Việt Nam (4 phiếu).
|
Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải chúc mừng tân Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính Lê Văn Thành. Ảnh: VFF. |
Ngay sau khi trúng cử, ông Lê Văn Thành đã đưa ra những mục tiêu cụ thể của mình về kế hoạch kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam. Ông nói: “Trong 2 năm tới, việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam cũng giống như nước ngoài là bán bản quyền truyền hình, vé bóng đá. Đây là 2 mảng chính có thể đem lại nguồn thu lớn mà Ban Tài chính, VFF chưa làm được. Trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu sẽ làm được. Tôi lấy ví dụ, từ năm 2021 đến 2028, Thái Lan bán được bản quyền truyền hình. Mỗi 1 năm được khoảng 1.000 tỉ. Mong muốn của tôi trong những năm tới là sẽ làm được những tham vọng này.
Quan điểm của tôi, người làm tài trợ là bán các sản phẩm của bóng đá, không phải xin tài trợ thì mới chuyên nghiệp và lâu dài. Với tư cách Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ và bề dày kinh nhiệm trên 25 năm trong lĩnh vực này, tôi hoàn toàn tự tin cho công việc này của VFF”.
Thực tế, điều mà tất cả quan tâm là những con số cụ thể mà tân Phó Chủ tịch tài chính VFF có thể kiếm về cho VFF trong 1 năm hoặc trong nhiệm kỳ của mình. Đó được xem là những lời hứa của các lãnh đạo trong vai trò kiếm tiền cho VFF.
Ông Lê Văn Thành không đưa ra một con số cụ thể nào. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu các vấn đề ông đưa ra được thực hiện đúng kế hoạch, mỗi năm có thể kiếm nguồn thu cho VFF gấp 2-3 lần hiện tại.
Sở sĩ có những yêu cầu về con số vì người tiền nhiệm Cấn Văn Nghĩa sau khi đắc cử từng hứa kiếm 400 tỉ trong nhiệm kỳ của mình. Năm 2018, khi trình bày đề án tranh cử, doanh nhân Trần Văn Liêng cũng đưa ra kế hoạch sẽ kiếm 249 tỉ đồng cho VFF vào năm 2022 từ ý tưởng do ông sáng lập là “Hệ sinh thái bóng đá Việt Nam” (Vietnam Football Ecosystem - VFEco). Bầu Đức từng tiến cử doanh nhân Nguyễn Hoài Nam với cam kết ông này sẽ kiếm 200 tỉ đồng/năm.
Còn nhớ, khi trúng cử chức Chủ tịch VFF năm 2014, ông Lê Hùng Dũng từng tuyên bố sẽ kiếm cho VFF hơn 300 tỉ đồng/năm bằng tầm nhìn chiến lược từ một doanh nhân. Điều này cũng phần nào có cơ sở khi ông từng kinh qua vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính đã kiếm về cho VFF hợp đồng tài trợ lớn từ Eximbank cho V.League.
Năm 2019, VFF từng có doanh thu lên đến hơn 260 tỉ đồng, trong khi chỉ tiêu đề ra là 165 tỉ đồng. VFF đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu được 254 tỉ đồng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, VFF đã thông báo chỉ thu được hơn 205 tỉ đồng. Nhưng do các đội tuyển quốc gia nghỉ nên nguồn chi chỉ là hơn 145 tỉ đồng. Số dư hơn 50 tỉ này sẽ được chuyển sang hoạt động cho năm 2021.
VFF cũng cho biết, con số dự thu năm 2021 là 259 tỉ đồng nhưng dự chi là 291 tỉ đồng. Bởi lẽ, năm 2021, các đội tuyển quốc gia sẽ tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam là: Xây dựng công tác chuẩn bị cho Đội tuyển quốc gia tham gia các trận đấu còn lại tại vòng loại World Cup 2022, Asian Cup 2023, phấn đấu bảo vệ thành công chức vô địch AFF Suzuki Cup 2020 (diễn ra vào tháng 4-2021); chuẩn bị lực lượng đội tuyển U22 quốc gia tham dự SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam và hướng tới mục tiêu tham dự World Cup 2026; đảm bảo các điều kiện cho đội tuyển U19 quốc gia tham dự VCK U19 châu Á tại Uzbekistan và phấn đấu cạnh tranh suất tham dự VCK FIFA U20 World Cup 2021, đội tuyển futsal quốc gia tham dự VCK futsal châu Á tại Kuwait và phấn đấu giành quyền tham dự VCK FIFA fusal World Cup 2021; tiếp tục xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho đội tuyển nữ quốc gia thực hiện mục tiêu bảo vệ chức vô địch AFF nữ, SEA Games 31 và hướng tới cơ hội tham dự VCK FIFA World Cup nữ 2023.
Đây sẽ là bài toán dành cho VFF và tân Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính. Năm 2021 là sẽ có nhiều thách thức với bóng đá Việt Nam. Đó cũng là lý do mà lẽ ra Đại hội thường niên VFF được tổ chức sớm vào tháng 8 nhưng phải lùi lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Mong rằng, với chương trình hành động cụ thể, ông Lê Văn Thành sẽ hoàn thành mục tiêu của mình.
Tỉnh Phú Thọ đăng cai bóng đá nam SEA Games 31
Tại lễ Khởi động cùng SEA Games 31 diễn ra sáng 21-11 tại Hà Nội, ban tổ chức đã công bố các địa điểm đăng cai SEA Games 31. Đáng chú ý là Phú Thọ được công bố là địa phương đăng cai môn bóng đá nam tại SEA Games 31.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết, Phú Thọ đã được lựa chọn là địa phương thay thế Hà Nội đăng cai môn bóng đá nam SEA Games 31. Tuy nhiên, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ phải làm việc với tỉnh Phú Thọ để chốt lại lần cuối.
Ông Nguyễn Khắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Phú Thọ chia sẻ, địa phương này có đầy đủ cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng để đăng cai một bảng của môn bóng đá nam và một số môn khác.
Trước đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã làm việc và có văn bản báo cáo Tổng cục Thể dục Thể thao về điều kiện cơ sở vật chất sân thi đấu chính thức, hệ thống sân tập, đường giao thông, khách sạn... để có thể phục vụ cho SEA Games 31.
Sân Việt Trì có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, mặt cỏ chất lượng, hệ thống phòng chức năng đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Phú Thọ cũng có đủ hệ thống sân tập cỏ tự nhiên phục vụ các đội bóng. Thành phố Việt Trì cũng có đến 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao trở lên làm nơi lưu trú cho các đội tuyển đến lưu trú.
Sân vận động Việt Trì từng được chọn đăng cai trận giao hữu quốc tế giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar vào tháng 6-2019. Sự kiện đã tạo ra một hiệu ứng lớn với những người dân tại địa phương.
|
Nguồn cand.com.vn