Vòng loại Olympic và bài học với đội tuyển nữ Việt Nam
Cập nhật ngày: 10-02-2020
 
Đội tuyển nữ thua 0-3 trước Hàn Quốc tại Vòng loại thứ 3 Olympic Tokyo 2020 không làm cho khán giả và giới chuyên môn bất ngờ. Đó là bài test chất lượng cao của thầy trò HLV Mai Đức Chung.
 

Sau chiến thắng 1-0 trước Myanmar, đội tuyển nữ Việt Nam đã có vé đi tiếp tại vòng loại Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng, đó chỉ là trận đấu  trước một đối thủ cùng đẳng cấp tại khu vực Đông Nam Á. Vì thế mà có rất nhiều vấn đề đã được rút ra sau trận đấu.
 

HLV Mai Đức Chung thừa nhận rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn trẻ hoá lực lượng, nhiều cầu thủ chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế nên phối hợp chưa tốt lắm. Kể từ khi tập trung, đội cũng chưa có trận đấu chính thức nào. Thời gian tập luyện vừa qua cũng bị ngắt quãng do nghỉ Tết. Vì vậy, trận này đội chơi còn loạng choạng.
 

Thực tế, chủ trương của đội tuyển nữ Việt Nam tại Vòng loại Olympic 2020 là chuẩn bị cho kế  hoạch hướng đến World Cup 2023. Do đó mà HLV Mai Đức Chung đã có sự thay máu ở một số vị trí quan trọng. Một trong những nhân tố mới để lại dấu ấn là Ngân Thị Vạn Sự. Đây là 1 trong 3 cầu thủ 19 tuổi được ông Chung chọn vào danh sách cuối cùng sang Hàn Quốc.
 

Chính Vạn Sự là người đã ghi bàn thắng duy nhất giúp đội tuyển Việt Nam có chiến thắng trước Myanmar. HLV Mai Đức Chung không thực hiện sự thay đổi một cách ồ ạt mà từ từ thực hiện ở từng thời điểm, từng vị trí. Điều này giúp cho thế hệ kế cận được kèm cặp bởi chính những cầu thủ có kinh nghiệm.
 

Đội tuyển nữ Việt Nam có trận đấu bổ ích. Ảnh: AFC.

Vòng loại Olympic 2020 cũng là cơ hội để các cầu thủ mới có cơ hội thể hiện. Bên cạnh đó, đây là bài test quan trọng cho đội tuyển nữ Việt Nam khi gặp các đối thủ mạnh.  Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn từng nói rằng: “Đây là giải đấu rất quan trọng và chúng ta cũng coi đó là cơ hội tiệm cận trình độ châu Á, hướng tới mục tiêu Vòng loại World Cup 2023.
 

Tất cả các đợt tập huấn, các giải đấu, các cầu thủ đã thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, cần tiếp tục cố gắng, tận dụng cơ hội, trau dồi kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ chiến thuật, nâng cao ý thức chuyên nghiệp để phục vụ tốt cho sự nghiệp mà các bạn đang theo đuổi”.
 

Trước khi vòng loại Olympic 2020 diễn ra, HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ rằng ông tiếc vì Triều Tiên rút lui, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ được thi đấu 2 trận. Điều mà ông muốn là được cọ xát nhiều hơn với các đối thủ chất lượng bên cạnh mục tiêu lớn là tấm vé đi Olympic.
 

Thực  tế, dù Việt Nam có giành vé đi tiếp thì việc cạnh tranh suất để Tokyo là bất khả thi. Bởi đối thủ mà chúng ta phải đối đầu ở vòng play-off rất mạnh. Đó có thể là Australia hoặc Trung Quốc, những cường quốc của bóng đá thế giới. Vì thế mà mục tiêu cọ xát được xem như là thiết thực.
 

Và cuộc cọ xát chất lượng cao đầu tiên đến từ trận đấu với Hàn Quốc ở vòng bảng. Đây là cuộc đối đầu mang đến nhiều ý nghĩa về chuyên môn. Bởi điều mà thầy trò HLV Mai Đức Chung mong muốn là nhìn nhận đúng giá trị của mình từ cuộc đối đầu với một đối thủ đẳng cấp.
 

Sau 90 phút tại Jeju World Cup, tuyển nữ Hàn Quốc dễ dàng đánh bại Việt Nam 3-0 để giành ngôi đầu bảng A. Đó là kết quả được dự báo từ trước. Tỉ số 3-0 có thể chấp nhận được so với tỉ số 7-0 mà Myanmar phải đón nhận. Thế nhưng, nhìn vào thế trận thì Việt Nam lép vế hoàn toàn so với đối thủ.
 

Có một điều dễ nhận ra, chúng ta không thua kém đối phương về kỹ thuật nhưng lại thất thế ở thể hình, thể lực. Trong các pha tranh chấp, cầu thủ Việt Nam đều thua thiệt và điều đó tạo ra sự khác biệt về thế trận. Những bàn thua mà Việt Nam phải nhận như một hệ quả tất yếu. Đây là điều mà chúng ta cần khắc phục khi nghĩ đến việc tham dự các sân chơi lớn như Olympic hay World Cup. Bởi lẽ, giành vé là một chuyện nhưng trình diễn thế nào lại là câu chuyện khác. 
 

Đội tuyển nữ Thái Lan từng thất bại kỷ lục 0-13 trước Mỹ tại World Cup 2019 là một ví dụ. Bóng đá Đông Nam Á nói chung và nữ nói riêng vẫn có khoảng cách quá xa với thế giới. Vì thế mà bên cạnh mục tiêu giành quyền tham dự các sân chơi lớn là một kế hoạch chuẩn bị nguồn lực lớn.
 

Phía trước, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ còn 2 trận đấu đỉnh cao ở vòng play-off trên sân nhà và sân khách. Đó thực sự là cuộc đối đầu mà chúng ta hy vọng các cô gái Việt Nam tích luỹ được nhiều giá trị chuyên môn. 
               

Chốt thời gian khai mạc V.League
 

V.League 2020 sẽ khởi tranh vào ngày 1/3, sau khi VFF và VPF thống nhất được phương án điều chỉnh lịch thi đấu.
 

Trước đó, do những diễn biến phức tạp của dịch virus Corona, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF cùng với đơn vị tổ chức Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF đã hoãn các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và đưa ra 2 phương án.
 

VFF vừa có công văn gửi VPF thống nhất điều chỉnh kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2020 theo phương án khởi tranh vào ngày 1/3 và điều chỉnh thời gian thi đấu vòng loại giải U19 quốc gia do ảnh hưởng của virus Corona.
 

Cụ thể, trận Siêu cúp quốc gia thi đấu vào ngày 1/3 trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). LS V.League 2020 khai mạc ngày 7/3 và kết thúc ngày 24/10. Giải hạng Nhất quốc gia 2020 bóng lăn ngày 14/3 và kết thúc ngày 27/9, còn Cúp quốc gia 2020 ngày 3/4 và kết thúc ngày 31/10.
 

Trên cơ sở kế hoạch hoạt động của các đội tuyển quốc gia trong năm 2020, VFF cũng đề nghị VPF điều chỉnh vòng 9 giải hạng Nhất 2020 vào ngày 12 đến 14/6 để phục vụ kế hoạch tập trung và thi đấu của đội tuyển U.21 quốc gia. 



Nguồn cand.com.vn