Nét đẹp văn hóa
Quảng Bình có 116 km chiều dài bờ biển, với nhiều làng biển nổi tiếng như Cảnh Dương, Quang Phú, Ngư Thủy… Ở đó, hằng năm cư dân đều tổ chức lễ hội cầu ngư với tấm lòng thành kính hướng về Mẹ biển, mong một năm mưa thuận gió hòa để đánh bắt tôm cá đầy thuyền. Với người làng biển Cảnh Dương, cứ đến ngày rằm tháng Giêng là tổ chức lễ hội cầu ngư mà linh vật được tôn quý nhất là cá voi. Ngư dân biểu diễn chèo cạn với những tiếng hát át cả tiếng gió, mặn mòi như muối biển khơi: “Làng ta mở hội cầu ngư/Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng Giêng”… Song với người dân các làng biển ở Đồng Hới thì: “Bao giờ cho đến tháng tư/Làng ta mở hội cầu ngư rộn ràng/Trước thì vui xóm vui làng/Sau là cầu nguyện mùa màng bội thu”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ hội cầu ngư của ngư dân tỉnh Quảng Bình tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, mang bản sắc và đặc trưng riêng so với các địa phương khác. Nếu như ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến các hình thức hát bộ, hò bá trạo và các trò diễn tuồng tích dân gian thì ở Quảng Bình là các làn điệu hò như hò mái dài, mái khoan, hò kéo lưới. Các làn điệu hò khoan được sử dụng trong hoạt động chèo cạn, hòa nhập thống nhất với nhau, làm nên những giá trị văn hóa truyền thống khó có nơi nào có được. Nghệ thuật truyền thống trong hò khoan - chèo cạn - múa bông được các nghệ nhân dân gian và cộng đồng cư dân các làng biển bảo tồn giữ gìn và trao truyền trọn vẹn cho đến ngày nay.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mậu Nam cho biết, tại Quảng Bình, lễ hội cầu ngư diễn ra từ tháng Giêng cho đến tháng sáu âm lịch. Dù thời gian, quy mô tổ chức khác nhau nhưng hoạt động này đều có chung niềm tin, sự kính trọng một sinh vật thiêng liêng luôn phù trợ, giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng cả gió to, đó là cá voi, thường được gọi một cách tôn kính là cá Ông. Việc thờ cá Ông còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng biển. Hằng năm, thường sau khi ăn Tết xong, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ hội cầu ngư, lồng ghép lễ tế cá Ông và ra quân đánh bắt vụ cá nam. Lễ hội cầu ngư chính là dịp để cộng đồng ngư dân tri ân thần linh, các thế hệ tiền nhân và những người có công trong việc phát triển nghề cá.
Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Thế Hoàn, lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển Quảng Bình là hoạt động mang tính cộng đồng cao. Trước kia và bây giờ, tất cả người làm nghề biển và ở vùng biển đều coi trọng và tham gia lễ hội này. Lễ hội có hai phần, phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ rất được coi trọng với các nghi thức cúng tế tại lăng cá Ông hoặc khu vực “thiêng” của làng. Đến nay, cho dù đã giản lược một số khâu song ý nghĩa và các nghi thức diễn tế của lễ hội cầu ngư vẫn được tổ chức rất trang trọng. Sau nghi lễ là các hoạt động phần hội như vui chơi, thể thao, văn nghệ. Bên cạnh các trò chơi dân gian mang tính truyền thống như lắc thúng, đua thuyền, thi đan lưới,... còn có các hoạt động như bóng đá bãi biển, hội thi ẩm thực, ca hát. Các hoạt động vui chơi cộng đồng này đã thu hút được sự quan tâm và cổ vũ của nhân dân, tạo nên mối đoàn kết, gắn bó không chỉ giữa những người cùng nghề biển, mà còn với các thành phần nghề nghiệp khác trong vùng. Trong lễ hội cầu ngư, nếu phần lễ mang lại cho con người những phút giây thiêng liêng thì phần hội giúp họ cảm thấy thoải mái, trút bỏ những lo toan đời thường để hòa mình vào không khí vui tươi, hứng khởi.
Lão ngư Nguyễn Lữ ở làng biển Bảo Ninh chia sẻ, lễ hội cầu ngư của làng thường tổ chức vào trung tuần tháng tư âm lịch. Sau phần tế, lễ hội thu hút ở các màn biểu diễn hò khoan, chèo cạn và múa bông. Đội hình chèo cạn khi biểu diễn trông giống như một chiếc thuyền đang lướt tới. Làn điệu của năm mái hò trong hò khoan - chèo cạn hòa với nhạc đệm, nhịp chèo tạo nên buổi chèo cạn tổng hòa các thể loại ca - múa - hát. Trong hội cầu ngư, chèo cạn gắn liền với múa bông. Đây là loại hình múa thuần túy, không hát mà chỉ có trống đệm. Trước đây, nếu như đội hình chèo cạn là những cô gái chưa chồng thì đội hình múa bông là các chàng trai chưa vợ. Mục đích của múa bông là phô diễn sự khỏe mạnh, cường tráng của người dân miền biển để đương đầu với sóng gió. Đặc sắc hơn cả là hò khoan - chèo cạn, gồm năm mái hò bởi sự cách điệu từ đời sống thực tế vào nghệ thuật cộng đồng. Sự kết hợp của năm mái hò đã diễn tả đầy đủ hoạt động của một con thuyền từ lúc rời bến với nỗi buồn tiễn biệt đoàn người ra khơi (hò mái dài), sự tăng tốc để ra khơi xa (hò mái ba), giai đoạn đánh bắt (hò kéo lưới) và quay trở lại đất liền với sự hân hoan, vui vẻ vì tôm cá đầy khoang (hò mái nện, hò mái khoan).
Hình thành sản phẩm du lịch biển
Giờ đây, lễ hội văn hóa truyền thống đang dần trở thành một loại hình du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách. Nắm bắt được xu thế đó, trong những năm qua, TP Đồng Hới tổ chức “Tuần văn hóa - du lịch” nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống miền biển xanh - cát trắng - nắng vàng này. Trọng tâm của “Tuần văn hóa - du lịch” là lễ hội cầu ngư, đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, trải nghiệm nghề câu mực ở cửa biển Nhật Lệ, giới thiệu các món ăn đặc sản biển Đồng Hới... Lễ hội cầu ngư Đồng Hới bây giờ không chỉ là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian mà đang dần trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách gần xa mỗi khi đến với Quảng Bình trong dịp nghỉ 30-4 và 1-5. Chính quyền TP Đồng Hới và các xã, phường ven biển đã dành một khoản kinh phí để tu sửa lăng, miếu thờ cá Ông, mua sắm các trang thiết bị, trang phục để phục vụ biểu diễn các tiết mục như múa bông, chèo cạn, diễu hành đường phố. Càng gần ngày diễn ra tuần văn hóa, người dân các xã, phường ven biển Đồng Hới càng háo hức thao luyện, chuẩn bị các hoạt động trong phần hội phục vụ khách du lịch. Nhiều du khách đánh giá, với các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và ẩm thực biển, “Tuần văn hóa - du lịch” được tổ chức ngày càng quy mô, chuyên nghiệp thu hút khách du lịch khi đến với “vương quốc hang động” Quảng Bình.
Đầu năm 2018, Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp huyện Quảng Trạch xây dựng sản phẩm “Làng văn hóa du lịch Cảnh Dương” với tâm điểm là các hoạt động như lễ hội cầu ngư, không gian trưng bày bộ xương cá Ông lớn nhất cả nước, công viên thuyền thúng, cung đường bích họa… Những sản phẩm này bước đầu đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham gia, tìm hiểu về đời sống văn hóa, truyền thống của người dân làng biển Cảnh Dương. Cũng từ đây, cung đường bích họa trở thành điểm du lịch được nhiều người biết và lựa chọn khi đến Quảng Bình. Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, Đặng Đông Hà chia sẻ, dù đã đạt được những kết quả bước đầu song để lễ hội cầu ngư có chỗ “đứng” và trở thành một sản phẩm du lịch đích thực thì phải loại bỏ dần yếu tố lạc hậu, duy trì giá trị chân thực của lễ hội; đồng thời hình thức, nội dung tổ chức phần hội phải được đổi mới, theo kịp xu hướng thời đại và nhu cầu của du khách. Mặt khác, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa chủ thể lễ hội với đơn vị làm du lịch để tạo không gian biểu diễn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội.
Dưới góc nhìn văn hóa, lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình là một hoạt động tín ngưỡng mang tính cộng đồng của người dân miền biển, tạo nên sức sống nội sinh trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử. Sức sống nội sinh ấy không chỉ thể hiện ở khát vọng ra khơi thuận buồm xuôi gió, ước mong trời yên biển lặng, biển cho tôm cá đầy khoang mà còn là nét đẹp về đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn của cư dân vùng biển, giống như một mạch sống truyền thống trong lòng xã hội đương đại, cần được trân trọng và gìn giữ.
Ngày 30-10-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4069-QĐ/BVHTTDL công bố tám di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình. Việc lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo ra một sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh Quảng Bình. |