Đồng chí Trương Hòa Bình cùng Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thỉnh chuông, đánh trống khai hội, tổ chức lễ dâng hương cầu quốc thái dân an. Đây là Lễ hội được phục dựng lại câu chuyện cách đây 1.000 năm trên tuyến đường hành hương kết nối di sản: Chùa Vàng - Tràng An - Cố đô Hoa Lư - Chùa Bái Đính - Vân Long (Ninh Bình) - chùa Đồng Tâm (Hòa Bình) - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương Sơn - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Lễ hội Chùa Tam Chúc xuân Kỷ Hợi được tổ chức với các nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ; nghi lễ thỉnh chuông, đánh trống khai hội, tổ chức lễ dâng hương cầu quốc thái dân an; lễ rước nước ở hồ Tam Chúc, rước chuông bình an, rước nước lên chùa Ngọc... Đây cũng là sự kiện mở đầu chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5-2019 tại chùa Tam Chúc.
★ Ngày 16-2, tại hồ Tây (khu vực đường Nguyễn Đình Thi và đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khai mạc lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2019. Dự lễ khai mạc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Lễ hội bơi chải thuyền rồng năm nay có sự góp mặt của hơn 700 vận động viên thuộc 34 đoàn, với tổng cộng 43 đội tham dự. Đáng chú ý, năm nay, có bốn đội đua thuyền rồng quốc tế tham dự, gồm các đội đến từ: Ma-lai-xi-a, Lào, Hồng Công (Trung Quốc), Xin-ga-po. Ở trong nước, ngoài các đội đến từ các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, còn có nhiều đội đến từ các địa phương có phong trào bơi chải thuyền rồng mạnh như: TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bình Thuận… tham dự giải. Tổng chiều dài đường đua là 600 m. Các đội thi đấu qua ba vòng: vòng loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Ngoài hoạt động đua thuyền, Ban Tổ chức còn bố trí nhiều sân khấu ngoài trời dọc đường Thanh Niên biểu diễn các tiết mục dân ca, xiếc, võ thuật, múa lân… để phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Lễ hội kéo dài đến ngày 17-2.
★ Sáng 16-2, tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” và Khai hội xuân Tây Yên Tử năm 2019.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2019 được tổ chức từ ngày 14 đến 20-2, là sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh tới đông đảo du khách gần xa và là một trong những hoạt động mở đầu, hưởng ứng chương trình Năm Du lịch quốc gia 2019. Tại đây, có 14 hoạt động chính được tổ chức trong bảy ngày như: Khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử; trưng bày, giới thiệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Lễ khánh thành chùa Thượng và khánh thành giai đoạn 1 khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; Hội thảo Liên kết tua du lịch Tây Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; Hội hát Soong hao, phiên chợ vùng cao tại Lễ hội vùng cao Tân Sơn; Ngày thơ Việt Nam…
★ Ngày 16-2, tại xã Kỳ Phú, UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình) long trọng tổ chức Khai mạc Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc trên địa bàn năm 2019. Đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao, Kinh từ các xã Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan đã nhộn nhịp tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân tộc: ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... thể hiện rõ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh.
Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc ở huyện Nho Quan còn có Chương trình nghệ thuật đặc sắc chủ đề “Nho Quan - Ngọn lửa núi rừng” tổ chức tối 16-2, thu hút đông đảo người dân và du khách.
★ Ngày 16-2, hội Lim chính thức bắt đầu tại xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Hội Lim năm 2019 diễn ra trong hai ngày 16 và 17-2 (tức 12 và 13 tháng Giêng), bắt đầu với nghi lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim.
Hội Lim năm 2019 là một trong những điểm nhấn nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Dân ca quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Du khách đến hội Lim được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ đặc sắc được trình diễn ở sáu lán hát quan họ trước cửa chùa, một sân khấu chính, một lán thơ… Khu vực đồi Lim bố trí các lán trại hát giao lưu quan họ và sới vật. Ban tổ chức lễ hội khuyến khích nghệ nhân quan họ dùng nhạc cụ dân tộc, nghiêm cấm hình thức hát nhảy đồng, sử dụng âm thanh loa máy có công suất lớn… để bảo đảm không gian văn hóa dân ca quan họ.
Nguồn nhandan.com.vn |