Đón xuân ấm áp cùng Tiếng làng ta
Cập nhật ngày: 25-01-2019
 
Đêm nhạc Tiếng làng ta mừng Xuân Kỷ Hợi do các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn vừa qua tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã mang đến nhiều cảm xúc.
 
Đón xuân ấm áp cùng Tiếng làng ta

Các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn trong đêm nhạc Tiếng làng ta.

Màn trống hội đình làng rộn rã mở màn làm nóng lên bầu không khí của đêm nhạc Tiếng làng ta, để sau đó sân khấu trở nên sôi động, cuốn hút với các trích đoạn Vào chùa, Sắc không, Thị Màu lên chùa, Xúy Vân giả dại… để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Tiếng đàn, nhịp phách rộn ràng, những làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm cùng sắc mầu rực rỡ của những bộ váy áo tứ thân mớ bảy, mớ ba của các cô đào. Tại chương trình, mỗi nghệ sĩ góp một câu chuyện âm nhạc của riêng mình, tạo nên bức tranh toàn cảnh về cổ nhạc Việt Nam với các loại hình nghệ thuật truyền thống: chèo, ca trù, tuồng, quan họ… Những thanh âm cũ của làng Việt như điệu hát ru, hát đúm, tiếng tụng kinh, niệm Phật… được nghệ sĩ, nghệ nhân nhóm Đông Kinh cổ nhạc trình bày trong một không gian diễn xướng đặc biệt, không sử dụng thiết bị phóng thanh điện tử, để người nghe cảm nhận được sự chân thật của những tiếng nhạc xưa. Những tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên không ngớt sau mỗi tiết mục. Bác Nguyễn Tuyết Mai (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội), 78 tuổi chia sẻ: “Lâu lắm tôi mới được nghe đêm nhạc mà thấy rạo rực, bồi hồi như Tết xưa vậy. Hồi nhỏ, đã biết điệu chèo, câu quan họ, được theo mẹ đi nghe xẩm, xem hát chèo ở đình làng; vậy mà xem đi xem lại vẫn thấy hay. Hôm nay, gặp lại không gian ngày xưa ấy, tôi thấy bồi hồi xúc động vô cùng”.

Một điều thú vị trong chương trình Tiếng làng ta là ban tổ chức đã phục dựng phong cách thưởng thức âm nhạc cổ truyền, đó là thưởng thẻ tre để khán giả có điều kiện giao lưu, tương tác với nghệ sĩ. Người xem tán thưởng và bày tỏ sự yêu thích các trích đoạn biểu diễn của nghệ sĩ thì tặng thẻ tre vào chậu đặt giữa sân khấu. Nhiều bạn trẻ lần đầu tiếp cận với khái niệm mới này tỏ ra hết sức hào hứng. Nguyễn Phương Nhi, 18 tuổi, sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia, một trong những bạn trẻ có mặt theo dõi chương trình từ đầu đến cuối cho biết, cô rất thích thú khi được hòa mình vào không gian âm nhạc đậm chất làng quê Bắc Bộ. Những trích đoạn tuồng, chèo… không hề khó nghe, cô cảm nhận được, thấy gần gũi và hiểu văn hóa dân tộc hơn.

Năm nay đã 77 tuổi nhưng nghệ sĩ tuồng Mẫn Thu vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghệ thuật. Bà có gần 60 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam, hóa thân vào những vai diễn trong các tích tuồng mà sau này ít ai vượt qua được, như: Mộc Quế Anh dâng cây, Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Mị Châu - Trọng Thủy... Đứng sau cánh gà Rạp hát Lạc Việt xưa trong lòng phố cổ, bà vẫn không khỏi hồi hộp khi chờ biểu diễn trích đoạn “Ngũ Biến” mà mình đã bao lần say sưa trình diễn trên các sân khấu. Trong không gian ấm cúng của một mùa xuân mới sắp đến, được sống cùng âm nhạc truyền thống khiến lòng người rộn ràng nhưng cũng lắng lại, hoài niệm.

Từ sâu thẳm nguồn cội, làng quê luôn là chốn đi về. Vào những ngày cuối năm, Tết đã cận kề ngoài ngõ, lòng người càng xốn xang khi những thanh âm truyền thống cùng thôi thúc hướng về cội rễ. Chính vì thế, Tiếng làng ta đã chạm đến trái tim người nghe. Và hơn nữa, những chương trình âm nhạc truyền thống này đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam; bồi đắp, lan tỏa đến lớp trẻ tình yêu với những giá trị bất biến của nghệ thuật dân tộc.

Nguồn nhandan.com.vn