Đây là trại sáng tác thứ năm của cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật và báo chí trong quân đội giai đoạn 2016-2020, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, Hà Nội; với sự tham gia của 20 họa sĩ trong và ngoài quân đội, diễn ra trong thời gian nửa tháng. Nét mới ở trại sáng tác là các tác phẩm được thể hiện trên chất liệu tranh lụa và tranh đồ họa truyền thống; với các phong cách hiện thực, trừu tượng, lập thể; nhiều tác phẩm có hình thức đẹp, nội dung phong phú.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm đã bám sát nội dung chủ đề, kết hợp hài hòa tính dân tộc và hiện đại, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và quân đội trong giai đoạn hiện nay. Một số tác phẩm tập trung khắc họa những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tiêu biểu như: Con đường huyền thoại - khắc gỗ của Đặng Hướng (Hải Phòng); Điện Biên Phủ trên không - khắc gỗ của Hà Huy Chương (Hải Dương); Trầm tích biển Đông - tranh in độc bản của Bùi Anh Hùng (Bảo tàng LSQS)...
Đáng chú ý, những tác phẩm làm nổi bật hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những hình ảnh về xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cán bộ, chiến sĩ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếm số lượng lớn với 23 tác phẩm. Một số tác phẩm mang vẻ đẹp cả về nội dung và phong cách biểu hiện, ấm áp tình cảm quân dân gắn kết, giàu chất hiện thực và lãng mạn bay bổng, như: Ngày phép - tranh lụa của Đặng Tiến (Hải Phòng); Hành quân qua bản - tranh lụa của Nguyễn Hoàng Linh (Thanh Hóa); Khi cơn lũ đi qua - khắc gỗ của Trần Hải Anh (Thanh Hóa) Tình biển - tranh lụa của Lê Hoàng Anh; Mùa xuân của Nguyễn Việt Anh (Hải Phòng); Hành quân đêm - tranh in kẽm của Nguyễn Thị Dung (Bảo tàng LSQS Việt Nam)… Họa sĩ Lê Huy Tiếp, một thành viên tham gia trại sáng tác nhận xét: Thời gian dự trại sáng tác tuy không dài, nhưng các họa sĩ đã tích cực làm việc, tạo ra những tác phẩm ấn tượng, có nhiều đổi mới về bố cục, cách nhìn, trừu tượng và giàu sức gợi.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn khẳng định: Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng là một đề tài lớn, xuyên suốt trong chặng đường đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Trại sáng tác đã thu được nhiều tác phẩm tốt, là kết quả thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2018); đồng thời tạo bước đệm cho những sáng tác mỹ thuật về đề tài này trong thời gian tới.
Trong ba năm qua, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã tổ chức bốn trại sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng tại các nhà sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt chất lượng tốt; nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam, được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhưng đây là lần đầu Bảo tàng LSQS Việt Nam tổ chức trại sáng tác thể loại tranh lụa và đồ họa về chiến tranh cách mạng, mở ra những cảm hứng sáng tác mới mẻ cho giới họa sĩ về một đề tài quen thuộc. Trại sáng tác cho thấy năng lực của các nghệ sĩ trong và ngoài quân đội; khẳng định đề tài về chiến tranh và người chiến sĩ còn những giá trị khuất lấp, nhiều khía cạnh hấp dẫn cần tiếp tục được khai thác. Qua đây, cũng thấy bộc lộ một số hạn chế, như: Sáng tác về các trận đánh, chiến dịch lịch sử lớn chưa nhiều và thật sự ấn tượng; thành phần tham gia chủ yếu là những tác giả quen thuộc, còn ít tác giả trẻ, mới. Vì thế, thời gian tới cần có sự quan tâm, chú trọng hơn nữa của quân đội và giới mỹ thuật để góp phần nâng cao chất lượng sáng tác cho mảng đề tài này.
Nguồn nhandan.com.vn