Đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội lần thứ VI đã tạo điều kiện và mở ra khả năng rộng lớn hơn cho mọi cá nhân và tổ chức xã hội phát huy năng lực tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ngay sau Đại hội VI của Đảng trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Sớm ban hành các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức văn hóa, văn nghệ khai thác các tiềm năng về kinh tế, tài chính trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo được những vốn tự có để có thêm điều kiện phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ...”. Đến Hội nghị Trung ương 4, khóa VII, ngày 14-1-1993 “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội. Phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Khắc phục tình trạng “hành chính hóa” các tổ chức văn hóa, nghệ thuật và xu hướng “thương mại hóa” trong lĩnh vực này”. Đại hội VIII của Đảng khi thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 1996-2000, Đảng ta đề ra chủ trương “Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thông tin”. Ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã khẳng định: “Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người, sức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa”. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16-6-2008 về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển”. Ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội”.
Như vậy, qua hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, trong đó luôn lãnh đạo, định hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, nghị định, quy phạm để thể chế hóa, thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật.
Sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo nhân dân triển khai hơn 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là thực hiện phương châm của Đảng đề ra: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước, việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương đáp ứng yêu cầu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa, của xã hội. Chủ trương của Đảng đã được các cấp, các ngành, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Chủ trương của Đảng từng bước đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả tích cực trên một số lĩnh vực, mở ra những phương thức mới cho các hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là ở các vùng đô thị, và những nơi những năm vừa qua được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Chúng ta đã phát huy được sức sáng tạo mạnh mẽ của đội ngũ văn nghệ sĩ, huy động và từng bước mở rộng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật, từ đó thúc đẩy sự thay đổi trong các khâu sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá các sản phẩm văn học, nghệ thuật. Sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực, như: Văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu… trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho thấy những tác động tích cực to lớn từ chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Những kết quả đạt được đã khẳng định, việc Đảng ta ban hành chủ trương này là hoàn toàn xác đáng, đáp ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống văn học, nghệ thuật khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tiến hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế vận động chung của thế giới. Với những kết quả nêu trên, các hoạt động văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh hiện thực của đất nước, tạo nên diện mạo mới của văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì việc triển khai xã hội hóa trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa có chiến lược tổng thể lâu dài về xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, cho nên một số hoạt động, phong trào còn mang tính thời vụ, bề nổi; tốc độ triển khai xã hội hóa ở các lĩnh vực này còn chậm; mức độ xã hội hóa không đồng đều giữa các lĩnh vực, các vùng, miền, tỉnh, thành phố. Công tác tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật còn hạn chế, cho nên hiểu về vấn đề này còn khác nhau. Dường như tâm lý ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước còn rất nặng nề, kém năng động trong cơ chế thị trường. Công tác quản lý nhà nước, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập…
Từ thực tiễn triển khai các nghị quyết của Đảng về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, cần tập trung làm tốt hơn nữa một số nội dung trong thời gian tới, cụ thể là:
Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong các nghị quyết của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, đội ngũ văn nghệ sĩ để triển khai cho thống nhất, toàn diện. Từ đó, khắc phục cách hiểu xã hội hóa phiến diện chỉ thiên về huy động nguồn kinh phí nên quên đi cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong các hoạt động văn học, nghệ thuật; không nên đồng nhất xã hội hóa với tư nhân hóa về chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phải nhân rộng, có hệ thống, gắn với đặc điểm từng lĩnh vực, từng đối tượng... Nội dung tuyên truyền cần thống nhất giữa nhận thức đúng về chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước với việc định hướng những hoạt động có tính khả thi, tạo nên sự thống nhất về nhận thức, sự tự nguyện, tự giác tham gia và tính chủ động tổ chức triển khai các hoạt động của các chủ thể.
Hai là, huy động sức mạnh của các cơ quan thông tin đại chúng vào việc tuyên truyền chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật với các hình thức mới phong phú, đa dạng. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền các mô hình hay, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến về triển khai xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh - truyền hình địa phương cần tổ chức các cuộc giao lưu để trao đổi kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa trong xã hội và trong các tầng lớp nhân dân.
Ba là, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động văn học, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật phải góp phần phát huy tối đa sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo nên các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Bốn là, Ban Bí thư Trung ương Đảng sắp ban hành hướng dẫn về tổ chức các đại hội văn học, nghệ thuật trong thời gian tới và năm 2019 cũng sẽ tổ chức sơ kết 5 năm Nghị quyết Trung ương số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là thời cơ để đội ngũ văn nghệ sĩ thảo luận, đóng góp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới, trong đó có chủ trương xã hội hóa để văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển hơn nữa.
Năm là, thực tiễn của một số nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, trong quá trình phát triển nếu không chú trọng cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra như có thể rơi vào khủng hoảng trong đời sống tinh thần của xã hội. Vì vậy, khi tiến hành triển khai xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật thì càng phải chú ý đến vấn đề này. Nên có sự trao đổi kinh nghiệm với một số nước đã thành công trong lĩnh vực này.
Sáu là, các cơ quan như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cần tiến hành tổng kết chủ trương này nhằm rút ra những mặt đã làm được và chưa làm được để kịp thời tham mưu giúp Đảng, Nhà nước bổ sung các giải pháp, cơ chế, chính sách có tính khả thi để triển khai chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật theo đúng các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đạt được những hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới và góp phần xứng đáng vào phương châm của Đảng là “Xây dựng nền văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.
Nguồn nhandan.com.vn