Việt Nam được giới thiệu như một điểm đến hấp dẫn và thú vị qua những kênh thông tin uy tín khác trên giới đã mở ra những “cánh cửa” mới với nhiều cơ hội hợp tác mà nếu được nắm bắt và tranh thủ kịp thời sẽ góp phần giảm kinh phí đầu tư đáng kể cho hoạt động quảng bá đất nước con người Việt với bạn bè quốc tế.
Cách tiếp cận hiệu quả
Nửa cuối tháng 11, khán giả truyền hình CNN có dịp khám phá thủ đô Hà Nội qua một chương trình đặc sắc, chủ đề “Street Life Hanoi” (tạm dịch: Đường phố Hà Nội). Do CNN Vision - Trung tâm sáng tạo toàn cầu của CNN International sản xuất. Chương trình được coi là một trong những kênh thông tin nhằm đem sự đa dạng đáng kinh ngạc khắp thế giới thành tiêu điểm điện ảnh, kể những câu chuyện truyền cảm hứng cho khán giả trên khắp thế giới của CNN.
|
Cảnh phim về Hà Nội trên sóng CNN.
|
Việc giới thiệu thủ đô Hà Nội thông qua dịch vụ tin tức nổi tiếng thế giới, được phát bằng 7 thứ tiếng trên khắp các hệ thống truyền hình lớn, bao gồm nền tảng kỹ thuật số và di động, tiếp cận 450 triệu hộ gia đình trên toàn cầu nói trên được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Thực tế, trong 30 phút của chương trình, người xem, kể cả là khán giả trong nước không khỏi giật mình về những khám phá quen mà lạ từ ê kip làm phim mang lại. Ở đó, phố cổ Hà Nội tưởng chừng rất quen nhưng có lẽ, ít ai có dịp khám phá các ngóc ngách bằng xe mô tô 3 bánh qua tour du lịch độc đáo của nhà thiết kế đồ họa người Mỹ đã sống ở Hà Nội hơn 20 năm qua - Steve Christensen.
Con phố Tạ Hiện với lịch sử “văn hóa bia” tại Hà Nội; chả cá nổi tiếng lâu đời tại đất thủ đô hay phố cây cảnh Hoàng Hoa Thám với đầy những cửa hàng bán hoa và cây cảnh, có chợ chim và chợ đồ cổ vào thứ bảy hàng tuần... mang đến nhiều thông tin thú vị, hấp dẫn.
Và mới đây, Kênh truyền hình Discovery khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Discovery Networks Asia - Pacific) vừa công bố, ngày 27-12, phim tài liệu “Vietnam: Connecting East Africa - Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi” sẽ chính thức phát sóng trên kênh Discovery Đông Phi (Discovery East Africa) và phát lại trên kênh Discovery Đông Nam Á (Discovery Southeast Asia) vào ngày 30-12.
Có thời lượng 24 phút, phim kể về câu chuyện phát triển công nghệ viễn thông của người Việt ở Đông Phi. Vai trò to lớn của Việt Nam trong nền cách mạng hóa viễn thông ở khu vực Đông Phi với các ứng dụng trên nền tảng 3G, 4G, kết nối các nước phát triển trên thế giới với nhau được chuyển tải chân thực và sinh động qua nhiều giai đoạn, từ xây dựng cơ sở hạ tầng ở Tanzania đến việc mang các dịch vụ di động đến những người sống ở các ngôi làng hẻo lánh nhất ở Mozambique...
Phát hành “Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi” cũng là lần đầu tiên, phim tài liệu về người Việt Nam ở nước ngoài được phát sóng trên Discovery. Điều này được kỳ vọng sẽ mở ra những tiền lệ tốt đẹp hơn cho việc quảng bá đất nước con người Việt trên sóng truyền hình nổi tiếng thế giới. Nói như cách chia sẻ của bà Hà Thục Vân, Giám đốc điều hành Công ty RedBridge, đối tác sản xuất các phim tài liệu nói trên thì thay vì phải mất nhiều triệu USD để làm phim quảng bá như cách lựa chọn của thành phố Hà Nội trước đây, cách làm này hiệu quả mà không tốn nhiều kinh phí như thế.
|
Hậu trường phim “Vietnam: Connecting East Africa” - Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi”. |
Thực tế, trước phim “Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi”, từ năm 2011, đã có 4 phim về Việt Nam được phát sóng trên Discovery khu vực châu Á, thu hút một lượng lớn người xem trong khu vực: “Những chiến binh chống tắc đường” (Jam Busters);“Rạp chiếu phim di động của ông Long” (Mr Long's Travelling Cinema);“Thành phố một nghìn năm” (A Thousand Year Hanoi); và “Câu chuyện cải táng” (Digging Up The Dead).
Việc sản xuất và phát sóng các phim này trên Discovery gây nhiều ngạc nhiên. Bởi, như chia sẻ của bà Hà Thục Vân là lâu nay, Việt Nam thường chỉ tham gia làm phim theo kiểu làm dịch vụ nào đó cho nhà sản xuất nước ngoài. Có nghĩa là họ đã có sẵn ý tưởng, đề tài, sang Việt Nam trực tiếp làm phim. Nhưng, với các phim này, nhà sản xuất Việt Nam có ý tưởng, đề tài được chọn và được đầu tư tiền làm phim, phát sóng trên kênh của nước ngoài. 24 phút chiếu mỗi bộ phim trong 3 năm trên kênh truyền hình phát hành ở 15 quốc gia khu vực châu Phi và các nước khu vực Đông Nam Á, tiếp cận khoảng 17 triệu hộ gia đình có “sức nặng” đáng kể về công tác quảng bá đất nước, con người Việt Nam.
Được cả đôi đằng
Tuy nhiên, điều bất ngờ và trái ngược với quan niệm lâu nay của số đông về việc hoạt động quảng bá điểm đến Việt Nam trên truyền hình nổi tiếng thế giới là khi trao đổi quanh câu chuyện này, bà Anna Pak Burdin, Tổng Giám đốc kênh Discovery ở khu vực Đông Nam Á lại cho rằng, đây cũng là những nội dung cần thiết của chính các hãng truyền hình này.
Bởi lẽ, những bộ phim tài liệu tôn vinh sự khéo léo, tinh tế của con người Việt Nam là một phần trong nỗ lực đầu tư và sáng tạo ra những bộ phim có nội dung tốt nhất nhằm phục vụ cho nhu cầu giải trí cũng như truyền tải thông tin tới độc giả của Discovery.
|
Bà Anna Pak Burdin, Tổng Giám đốc kênh Discovery ở khu vực Đông Nam Á.
|
Những câu chuyện hấp dẫn ở châu Á là phần nội dung quan trọng của kênh truyền hình này trong hơn 20 năm qua và hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì... Việt Nam luôn là điểm đến tuyệt vời với nền văn hóa lâu đời, truyền thống, được quan tâm bởi có nền kinh tế phát triển nhanh, công nghệ hiện đại. Đây là những câu chuyện mà Discovery luôn có sự quan tâm nên luôn mở rộng cơ hội làm phim về Việt Nam. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, cơ hội này dành cho tất cả mọi người. Dù rằng, để nắm bắt được các cơ hội này là thách thức không dễ dàng.
Ông Vikram Channa, Phó Chủ tịch kênh Discovery cũng cho biết, hiện nay, khán giả đang quan tâm đến khá nhiều các đề tài khám phá, các hoạt động nghiên cứu ẩm thực, món ăn đường phố... Đây là chủ đề thường xuyên có trên Disvovery Channel nên rất có thể sẽ là những nội dung tiếp tục được chọn giới thiệu với khán giả trong thời gian tới.
Trước đây, một số phim về Việt Nam đã được Discovery chọn sản xuất, phát sóng nhưng có chủ đề tương đối cũ là văn hóa, đời sống xã hội. Nhưng, phim về người Việt đưa công nghệ viễn thông đến Đông Phi là câu chuyện hoàn toàn mới.
|
Ông Vikram Channa, Phó Chủ tịch Kênh Discovery.
|
Phim không chỉ chia sẻ câu chuyện về Việt Nam với bề dày văn hóa mà còn về sự thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, đưa sức mạnh của mình giúp đỡ khu vực khó khăn hơn nên tính nhân văn rất cao. Những câu chuyện như thế vẫn luôn rất thú vị, được nhiều khán giả quan tâm. Ngoài ra, những dự án phim khác về con người, ẩm thực, cách người trẻ hiện nay tiếp cận chúng cũng còn nhiều tiềm năng khai thác. Vấn đề là cách kể câu chuyện ấy như thế nào, mức độ hấp dẫn khán giả sẽ quyết định dự án có được lựa chọn đầu tư sản xuất, phát sóng hay không.
Tuy nhiên, theo bà Hà Thục Vân thì kinh nghiệm nhiều năm theo đuổi các dự án sản xuất phim cho Discovery cho thấy, để các dự án này “lọt” vào “tầm ngắm” của nhà sản xuất không dễ. Không chỉ có Discovery, mà các kênh truyền hình quốc tế đều đòi hỏi nhiều tiêu chí khắt khe, các khung giờ phát sóng đều có nhiều chương trình được đầu tư, chuẩn bị sẵn chờ “xếp hàng”. Muốn được lựa chọn phát sóng ở những khung giờ này cần rất nhiều yếu tố, trong đó, sự độc đáo, mức độ hấp dẫn khán giả, được khán giả yêu thích là yếu tố quan trọng.
Đây là kênh truyền hình quốc tế, phát cho tất cả mọi người nhưng phải làm sao để khán giả cảm nhận được những nét riêng của Việt Nam, tinh thần của Việt Nam và cả khát vọng, sự tự trọng Việt Nam. Ở đó, có những con người vẫn phải gồng mình để sinh sống, sinh tồn nhưng sự sinh tồn ấy mang tính nhân văn. Thế hệ trẻ Việt Nam nên nhìn nhận nó một cách tươi đẹp, nhiều hy vọng và khi nhiều hy vọng, chúng ta sẽ luôn tươi mới, có thể tiếp cận được nhiều năng lượng với thế giới vốn biến chuyển vô cùng nhanh chóng hiện nay hơn.
Ngay việc đưa ý tưởng và thuyết phục nhà sản xuất cũng rất khó khăn, cần kiên trì. Như bản thân Hà Thục Vân, sau các dự án phim từ năm 2011, đến tận năm 2018, bà mới có thêm một dự án phim khác được Discovery đầu tư sản xuất, phát sóng. Cơ hội làm phim cũng cần nhiều yếu tố tác động và người làm phim phải biết cách làm sao giữ được quan hệ và “lửa” nghề.
Ví dụ, ngoài theo đuổi các dự án này, bản thân bà vẫn làm các dự án khác để duy trì quan hệ, chấp nhận chỉ làm dịch vụ về phim. Trong quá trình đó sẽ tiếp tục gửi thông tin, bàn bạc về những dự án riêng. Khi được duyệt sản xuất rồi cũng là hành trình nhiều gian nan. Với “Vietnam: Connecting East Africa” - Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi”, những ngày làm việc của êkip tại Tanzania vô cùng căng thẳng. Đông Phi xa xôi, điều kiện làm việc rất vất vả, nhất là về ngôn ngữ.
Có khi, êkip phải sử dụng thông dịch viên qua nhiều ngôn ngữ mới trao đổi được để triển khai công việc. Thời tiết ở Đông Phi lại khắc nghiệt, mưa gió thường xuyên. Đường xá không thuận lợi, bình thường di chuyển càng khó khăn nên mang theo một khối lượng máy móc nặng nề để làm phim, có khi là “cực hình”. Làm phim tài liệu lại càng không thể làm lâu nên lúc nào cũng căng thẳng.
Ngay chuyện ăn uống cũng là cả vấn đề nan giải nếu không được chuẩn bị kỹ. Do “lệch” về thói quen ẩm thực, văn hóa nên chuyện sang nước bạn làm việc nhưng không ăn được món ăn của họ là chuyện tất cả các thành viên trong đoàn đều gặp phải. Nhưng, vượt qua được tất cả những điều này thì hạnh phúc của người làm nghề cũng khó có gì đo đếm được...
Nguồn cand.com.vn