Tiếp lửa cho tình yêu văn học
Cập nhật ngày: 14-12-2018
 
Mới đây, cùng với sự ra mắt tập thơ Vừng ơi mở cửa vừa được Nhà xuất bản (NXB) Văn học ấn hành, là chương trình giao lưu nghệ thuật cùng tên, một cuộc hội ngộ ấm áp của các thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học (ĐH) Tổng hợp, nay là Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội; góp phần tiếp thêm ngọn lửa tình yêu với văn học cho các thế hệ sinh viên hôm nay.
 

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật “Vừng ơi mở cửa”.Ảnh: NGỌC VINH
 

Sau gần 30 năm "mất tích", Vừng ơi mở cửa - tập thơ sinh viên lưu hành nội bộ từ năm 1991, bất ngờ được nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Báo Người đưa tin và Ðời sống pháp luật tìm lại được; NXB Văn học ngay lập tức xuất bản với một diện mạo mới. Vừng ơi mở cửa gồm 37 bài thơ của các thành viên câu lạc bộ (CLB) thơ sinh viên ÐH Tổng hợp, với những bài thơ tràn đầy xúc cảm một thời hoa niên của nhiều cây bút giờ đây đã trở thành những tên tuổi trong giới văn học, báo chí và nhiều lĩnh vực. Nhận xét về tập thơ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn K15 ÐH Tổng hợp cho rằng, không phải bài thơ nào trong tập cũng hay cả. Nhưng điều quan trọng là "tất cả các cảm xúc đó đều hết sức chân thành, chính vì lẽ đó các cây bút góp mặt trong tập thơ đã cùng nhau làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn, giúp ta lưu giữ những ký ức về thời thanh xuân tươi đẹp". Nhà giáo Nguyễn Hùng Vỹ, cũng là cựu sinh viên của Khoa, một người thầy, người bạn của nhiều thế hệ sinh viên, từng là Chủ nhiệm CLB thơ sinh viên ÐH Tổng hợp, phụ trách việc tuyển chọn Vừng ơi mở cửa năm 1991 chia sẻ: "37 tác giả có tên trong tập thơ là 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp ngày xưa. Cho đến nay, sau gần 30 năm, trải qua vô vàn lựa chọn khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng những người có thơ, mang thơ trong lòng vẫn khẳng định được nhân cách, nhân phẩm của mình trong hành trình tồn tại đầy khắc nghiệt ấy. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, trở thành những con người có ích, có nhiều đóng góp cho xã hội".

Ngày 7-12 vừa qua, một đêm nghệ thuật cùng tên được khơi nguồn cảm hứng từ sự kiện này, với mục đích tri ân, tôn vinh thầy cô; đồng thời là cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời tuổi trẻ ắp đầy kỷ niệm với hào khí văn thơ đã trở thành "thương hiệu" của Khoa Ngữ văn ÐH Tổng hợp và truyền lại nhiệt huyết đó cho các thế hệ sinh viên hôm nay. Chương trình do Khoa Văn học - Trường ÐH học KHXH&NV, Hội Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn ÐH Tổng hợp, NXB Văn học, các báo Người đưa tin, Ðời sống & Pháp luật, Kinh tế và Ðô thị, Ban Văn học nghệ thuật VOV6 Ðài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức; PGS, TS, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói
Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật T.Ư làm Trưởng ban chỉ đạo; được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp với sự góp mặt của đông đảo thế hệ cựu sinh viên Khoa Ngữ văn trước đây, Khoa Văn học hiện nay cùng khách mời là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... tên tuổi.

Chương trình diễn ra tại ký túc xá Mễ Trì, ÐH Tổng hợp Hà Nội (cũ); là sự đan xen giữa thơ - nhạc - kịch trên sân khấu phục dựng bối cảnh tái hiện một thời sinh viên giản dị và thơ mộng. Sau phần khởi động với bài thơ mở đầu trong tập thơ cùng tên của nhà báo Phạm Thị Thu Thủy được chính tác giả thể hiện, là sự "trở về" của những tên tuổi thơ văn nhiều thế hệ, như: nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà báo Phùng Huy Thịnh - đại diện cho thế hệ sinh viên Văn khoa "xếp bút nghiên lên đường ra trận"; các nhà thơ thế hệ tiếp nối như Nguyễn Sĩ Ðại, Võ Hồng Hải… ; đặc biệt là những thành viên tích cực của CLB thơ sinh viên Tổng hợp và phong trào thơ sinh viên một thời của CLB thơ các trường đại học, như: các nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Tiến Thanh, Nguyễn Xuân Hải, Trần Quang Dũng, Nguyễn Ðức Hạnh, Nguyễn Hồng Hải, Nguyễn Minh Ðức, Ðoàn Ngọc Thu, Phan Huyền Thư, Nguyễn Kim Anh… Ðan xen giữa phần đọc thơ, là những bài hát được phổ thơ của các cựu sinh viên Văn khoa, như: Bâng khuâng Trường Sa của nhạc sĩ Lê Ðức Hùng, lời thơ PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ; Mẹ của nhạc sĩ Phan Long, phổ thơ Ðoàn Ngọc Thu…; cùng sự góp mặt của các ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Vĩnh Tiến, Mai Hoa, Thành Lê,… Ðáng chú ý, trong chương trình có những phần giao lưu, trò chuyện đầy trang trọng và xúc động với sự tham gia của các thầy giáo: GS Hà Minh Ðức; PGS, TS Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội); PGS, TS Phạm Quang Long, Nguyễn Hùng Vỹ. Cùng với thơ, nhạc, kịch, nhiều kỷ niệm, giai thoại và cả những "bí mật" lưu giữ một thời được các cựu sinh viên bật mí, chia sẻ đầy thú vị; góp phần đưa mọi người ngược dòng thời gian trở về một thời trong trẻo, tươi sáng. Cũng tại chương trình nghệ thuật này, Hội Cựu sinh viên đã trao tặng Quỹ học bổng Văn khoa số tiền 80 triệu đồng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp và đóng góp của các cựu sinh viên tham dự.

Vừng ơi mở cửa (cả sách và giao lưu nghệ thuật) là một sự kiện đẹp đáng nhớ, dành cho các thế hệ sinh viên đã và đang học tập dưới mái nhà chung Khoa Ngữ văn trước kia và Khoa Văn học ngày nay; cả sinh viên các khoa khác từng học tập và gắn bó với Trường ÐH Tổng hợp, Trường Ðại học KHXH&NV, Ký túc xá Mễ Trì; để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, tự hào về truyền thống của sinh viên Văn khoa Tổng hợp, lưu giữ và trao truyền tinh thần đó cho các thế hệ sinh viên hôm nay.

Nguồn nhandan.com.vn