Để có thể sử dụng chiếc trống cái “khổng lồ”, những người chơi trống đòi hỏi phải có thân hình to khỏe, cùng đôi tay dẻo dai, mạnh mẽ, kết hợp với sự cảm thụ giai điệu tinh tế, thuần thục.
Chiếc trống cái được hoàn thành trong vòng 1 tháng, tuy nhiên để chuẩn bị vật tưvà các trang thiết bị phục vụ lại mất hơn 6 tháng. Nó cho thấy sự cầu kỳ trong khâu chuẩn bị để có thể làm nên một chiếc trống chắc chắn, vững chãi và to lớn. Tang trống được làm từ gỗ rừng ở tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Văn Cần – một trong những người làm nên chiếc trống cho biết: “Thời điểm năm 2010, ngoài Bắc chưa có công nghệ sấy gỗ nên phải chuyển vào Sài Gòn sấy. Sau đó đưa về làm tại nhà tôi”. Ông Cần cũng tiết lộ, riêng về da bọc mặt trống là da trâu tốt nhất, được đặt mà từ Malaysia gửi về.
Vì không thể có con trâu nào đáp ứng đủ da để bọc mặt trống nên phải dùng công nghệ chắp nối. Chiếc trống to lớn, được đầu tư về mặt giá trị lên đến 180 triệu, cao 3,1 mét nên mỗi khi có dịp đi biểu diễn đều phải sử dụng đến ôtô tải để vận chuyển.
Một tên gọi khác của chiếc trống cái này đó là “Trống nhẩy”, theo lý giải của các vị cao niên trong làng cho rằng, những người đánh trống khi biểu diễn sẽ vừa đánh trống vừa phải nhảy múa trên kệ của trống.
Để sử dụng thành thục, và hòa hợp vớinhau trong cả một dàn trống vài chục chiếc thì các “tay trống” không chỉ có sức khỏe dẻo dai mà còn phải cần một đôi tay khéo léo. Hội trống ở quê phục vụ phần lớn trong nhà thờ mỗi khi có lễ, tuy nhiên, thi thoảng chiếc trống “khổng lồ” này cũng có phục vụ, biểu diễn cho một số lễ hội lớn, vinh dự nhất là đã từng phục vụ biểu diễn cho khoảng gần 10 Nguyên thủ Quốc gia các nước trên thế giới khi tới Việt Nam.
\
Theo http://cand.com.vn