Trước khi kéo co phải tiến hành những nghi lễ trang trọng.
Đền Trấn Vũ (nay thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) là nơi đang bảo tồn, thực hành nghi lễ và trò chơi Kéo co ngồi. Nghi lễ này có ngồn gốc tâm linh trong hội làng xưa, mong mang về “điềm lành” cho cả làng, để năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Hai đội thi nhau kéo cây song được luồn qua cây cột gỗ lim sơn đỏ, trồng ở giữa. Mỗi thành viên của các đội kéo phải ngồi, chân đạp chắc vào đất, dùng lực cá nhân hợp với lực cả tập thể đề giành phần thắng.
Đội kéo chuẩn bị rước cây song ra bãi kéo co.
Tại Hàn Quốc, kéo co là hoạt động mang tính văn hóa qua thể hiện ở một lễ hội cộng đồng, là hình thức lễ nghi cầu an, qua đó tổ chức dịp vui chơi cho tập thể. Kéo co thể hiện tinh thần đoàn kết “sát cánh/cùng nhau thực hiện”. Dây kéo co Hàn quốc chủ yếu được làm từ rơm/rạ và được gia cố bằng các loại nguyên liệu khác như tre, vỏ cây, hay cả sợi nilon... Kéo co Hàn Quốc sử dụng nhiều loại hình dây kéo: dây đơn, dây đôi và dây hình kéo hình con cua (nhiều chân).
Cây song dùng trong kéo co ngồi được luồn qua cột gỗ lim.
Trong buổi giao lưu, đội kéo co truyền thống đền Trấn Vũ đã trình diễn nghi lễ và cùng các đại diện của Hàn Quốc thực hành trò chơi sôi động. Đội kéo co Hàn Quốc cũng giới thiệu về môn kéo co của mình. Dù văn hóa, phong tục tập quán của hai nước khác nhau, xong Kéo co tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc ở nhiều triết lý nhân sinh. Giao lưu trao đổi những nét đẹp văn hóa là việc làm có ý nghĩa với cả hai dân tộc.
Ông Kyu mea Hoo (quần xám, đội kéo co Hàn Quốc) cùng tham gia trò chơi kéo co ngồi.
Đội cổ vũ của Hàn Quốc.
Cuộc giao lưu có nhiều niềm phấn khích.
Kéo co là hoạt dộng văn hóa phổ biến và mang những đặc sắc vùng miền rõ nét ở các nước châu Á. Tháng 12-2015, Kéo co truyền thống châu Á đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dưới tên “Nghi lễ và trò chơi kéo co”, do bốn quốc gia Campuchia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam cùng đệ trình. |