Đặc sắc hoạt động trong Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất
Cập nhật ngày: 24-11-2018
 
NDĐT - Chiều 23-11, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Liên hiệp UNESCO Việt Nam - Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao phối hợp Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Hemera tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt: “Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất”.
 


Màn trống hội mở đầu Chương trình Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam lần thứ nhất.

Đây là hoạt động nhằm mang đến cho công chúng những trải nghiệm đặc biệt nhất, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu, mang âm hưởng “nghìn xưa vọng lại” cùng với sự xuất hiện của các nghệ nhân nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật dân gian của Việt Nam như: Hát then, bài chòi, quan họ Bắc Ninh, ca trù, xẩm... cũng như trò chơi dân gian truyền thống: Kéo co, đẩy gậy, vượt cầu khỉ, nặn tò he cũng như khu vực triển lãm thư pháp.

Làn điệu dân ca quan họ "Mời nước, mời trầu", do liền anh, liền chị Đoàn nghệ thuật dân gian sông Hồng - Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao biểu diễn.

 

Phát biểu khai mạc ngày hội, Giám đốc Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao Nguyễn Phúc Lưu cho biết: “Đây là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận”.

Tiết mục hát then của đoàn biểu diễn tỉnh Lạng Sơn.

Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và du lịch, liên kết phát triển du lịch di sản bền vững giữa các vùng miền... Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, những thành tựu trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của TP Hà Nội đã góp phần khơi dậy tiềm năng ẩn chứa trong di sản, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là du lịch các hoạt động phối hợp tổ chức giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố sở hữu di sản; các tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản cũng góp phần quan trọng vào việc tôn vinh, quảng bá di sản của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Màn biểu diễn hát xẩm "Bắc kỳ vui nhất Hà thành" của Đoàn Trống hội Thăng Long.

Di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, mỗi công dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23-11 là Ngày di sản văn hóa Việt Nam.

Chương trình mở cửa hoàn toàn miễn phí trong hai ngày 23 và 24-11.

Trình diễn bộ sưu tập "Áo dài ba miền" của Công ty CP may Hà Anh.

Gian hàng tò he thu hút khách tham quan.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm dược liệu, tinh dầu thu hút du khách quốc tế.

Khu vực triển lãm thư pháp.


Nguồn nhandan.com.vn